Đường dẫn truy cập

Mỹ, châu Âu đoàn kết với Bỉ


Người dân giơ một biểu ngữ đoàn kết tại Brussels sau vụ đánh bom ở Brussels, Bỉ, ngày 22 tháng 3 năm 2016.
Người dân giơ một biểu ngữ đoàn kết tại Brussels sau vụ đánh bom ở Brussels, Bỉ, ngày 22 tháng 3 năm 2016.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Brussels hôm 25/3 "để chính thức gửi lời chia buồn của Mỹ về sự thiệt hại nhân mạng" trong các cuộc tấn công chết chóc hôm 22/3 ở thủ đô của Bỉ.

"Ông sẽ nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với những nỗ lực của Bỉ trong cả việc điều tra những cuộc tấn công lẫn việc tiếp tục đóng góp vào nỗ lực quốc tế để chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết hôm 23/3.

Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Mỹ sẵn sàng cung cấp cho nhà chức trách Bỉ thông tin, năng lực, công nghệ và bất cứ gì khác để giúp Bỉ chiến đấu và ngăn chặn các hành vi khủng bố. Ông Biden phát biểu như vậy khi thăm Đại sứ quán Bỉ tại Washington và ký sổ chia buồn.

Tại Brussels, Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi nghị viện châu Âu họp bàn và thông qua việc thành lập bộ hồ sơ lưu tên hành khách của Châu Âu, gọi tắt là PNR. Phát biểu sau cuộc họp hôm thứ Tư với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Valls nói phương Tây đang đương đầu với một tổ chức khủng bố đã có thể thiết lập các chi bộ khủng bố tại trung tâm của xã hội phương Tây.

Trong khi đó, các bộ trưởng nội vụ, quốc phòng, giao thông vận tải của Pháp đã đến thăm sân bay chính của Paris và gặp các lực lượng an ninh ở đó. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve nói đã có thêm 1.600 nhân viên an ninh được triển khai trên toàn quốc sau vụ tấn công Brussels.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve (thứ 2-bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian bắt tay các sĩ quan cảnh sát Pháp khi họ kiểm tra các biện pháp an ninh tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, phía bắc Paris, ngày 23 tháng 3 năm 2016.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve (thứ 2-bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian bắt tay các sĩ quan cảnh sát Pháp khi họ kiểm tra các biện pháp an ninh tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, phía bắc Paris, ngày 23 tháng 3 năm 2016.

Pháp vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp sau khi các cuộc tấn công khủng bố làm 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương hồi cuối tháng 11 ở Paris.

Tại Vatican, Đức Giáo hoàng Francis đã chủ trì buổi cầu nguyện thầm lặng gồm hàng ngàn người cho các nạn nhân của các vụ tấn công tại sân bay và ga tàu điện ngầm của Brussels. Đức Giáo hoàng cũng kêu gọi "mọi người có thiện chí cùng đoàn kết và nhất trí lên án" các cuộc tấn công gây chết chóc, sợ hãi và buồn đau.

Bỉ có nguy cơ cao

Các vụ nổ ở thủ đô Brussels của Bỉ, xảy ra chỉ vài kilomet cách nơi có trụ sở của NATO và Liên hiệp châu Âu, là các tổ chức chính yếu của lục địa châu Âu, đã nâng cao mối quan ngại về an ninh tại thủ đô Bỉ.

Năm ngoái có những ước tính chính thức nói rằng gần 500 người Hồi giáo trẻ của Bỉ đã đi đến Syria hay Iraq để tham gia các nhóm cực đoan, làm cho nước này trở thành quốc gia châu Âu có con số lượng các chiến binh nước ngoài cao nhất trên bình quân đầu người.

Bỉ có diện tích nhỏ nên cũng đồng nghĩa là nước này có ít nguồn lực chống khủng bố hơn so với các quốc gia lớn như Mỹ, Anh và Pháp.

Ngoài việc thiếu nguồn lực, các nhà quan sát cho rằng sự phân mảnh về định chế và việc chia sẻ thông tin tình báo kém đã cản trở khả năng chống khủng bố của Bỉ. "Chỉ riêng Brussels có 19 vùng đô thị và 6 lực lượng cảnh sát khác nhau, rõ ràng mang lại một thách thức về điều hành", Benoit Gomis, một chuyên gia về khủng bố và quốc phòng châu Âu tại Chatham House ở London, nói với đài VOA.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel (giữa) bắt tay các sĩ quan cảnh sát và những người phản ứng đầu tiên ở phía trước sân bay Zaventem bị hư hại tại Brussels ngày 23 tháng 3 năm 2016.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel (giữa) bắt tay các sĩ quan cảnh sát và những người phản ứng đầu tiên ở phía trước sân bay Zaventem bị hư hại tại Brussels ngày 23 tháng 3 năm 2016.

Các cuộc tấn công hôm 22/3 có thể châm ngòi cho một sự thúc đẩy mới, và thống nhất giúp Bỉ tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh.

"Trên hết, điều sẽ rất quan trọng với EU là cải thiện đáng kể việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên", Florian Otto nói với đài VOA. Otto ghi nhận người ta đã nhất trí về các biện pháp sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris hồi năm ngoái, mà phần lớn sự chuẩn bị cho các vụ đã diễn ra ở Bỉ.

Các nhà phân tích nói các cuộc tấn công hôm 22/3 có thể làm cho ý tưởng về một đơn vị tình báo chung của EU được đưa trở lại vào chương trình nghị sự. Các lĩnh vực khác bao gồm các nỗ lực chống cực đoan hóa và các hoạt động kết hợp để chống nạn buôn bán vũ khí.

Một phương pháp tiếp cận có sự phối hợp như vậy có thể làm một số chính phủ châu Âu chống đối, họ vốn đã cảnh giác với việc EU hành động quá khuôn khổ, một trong những vấn đề làm một số người ở Vương quốc Anh mong muốn rời khỏi khối liên hiệp.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đã công bố các biện pháp tăng cường an ninh biên giới và các điểm quá cảnh.

Trong một tuyên bố trên truyền hình từ trụ sở của NATO ở Brussels, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói khối này sát cánh với đồng minh Bỉ trong "ngày đen tối này."

Ông nói hành động "hèn hạ" này đi cùng với mất mát nhân mạng "nặng nề" và "thảm khốc" là một cuộc tấn công vào các giá trị dân chủ và xã hội cởi mở, và ông nói thêm rằng "chủ nghĩa khủng bố sẽ không đánh bại được dân chủ và không lấy đi được các quyền tự do của chúng ta".

Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp châu Âu Donald Tusk cho biết ông choáng váng về các cuộc tấn công và nói châu Âu sẵn sàng trợ giúp.

Ông Tusk nói rằng "các cuộc tấn công này cho thấy một mức thấp kém mới của những kẻ khủng bố về mặt gây ra hận thù và bạo lực". Ông nói thêm EU "sẽ thực hiện vai trò của mình để giúp Brussels, Bỉ và Châu Âu nói chung chống lại mối đe dọa khủng bố" mà họ đang phải đối mặt.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (@fhollande) đã viết trên Twitter: "Các cuộc tấn công tại Brussels là nỗi đau chung của cả châu Âu".

Sau một cuộc họp nội các khẩn cấp tại London, Thủ tướng Anh David Cameron lên án các vụ nổ và cho biết châu Âu nên đứng cùng nhau. "Chúng ta sẽ không bao giờ để cho những kẻ khủng bố giành chiến thắng" ông Cameron nói.

Chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Peter Altmaier, kêu gọi đoàn kết với Bỉ, ông viết trên Twitter rằng "những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ giành chiến thắng". Ông nói thêm rằng "các giá trị châu Âu của chúng ta mạnh hơn nhiều so với thù hận, bạo lực, khủng bố!"

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói chính trị theo "tiêu chuẩn kép" của phương Tây đã dẫn đến các cuộc tấn công khủng bố và quan hệ ngoại giao bị ngưng trệ giữa NATO và Nga đã làm chậm cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng điện Kremlin cũng gửi lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với Bỉ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG