Đường dẫn truy cập

Châu Âu tăng cường an ninh phi trường sau vụ tấn công Brussels


Cảnh sát và các nhân viên cấp cứu đứng ở phía trước sân bay Zaventem bị hư hại, ngày 23 tháng 3, 2016.
Cảnh sát và các nhân viên cấp cứu đứng ở phía trước sân bay Zaventem bị hư hại, ngày 23 tháng 3, 2016.

Các vụ đánh bom khủng bố hôm thứ ba tại Brussels đặc trưng cho một chiến thuật mới của các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, khi tấn công hành khách tại phòng đợi lên máy bay, là nơi an ninh phi trường lơi là nhất.

Các trạm chuyên chở khắp châu Âu đã tăng cường các biện pháp an ninh tiếp theo những vụ tấn công ở Brussels bằng nhiều cuộc tuần tra có vũ trang rất lộ liễu ở gần các quầy kiểm tra giấy tờ để trấn an hành khác, nhưng các giới chức ở nhiều nước Âu châu đang cho rằng sẽ phải có một cuộc cải tổ quan trọng về an ninh phi trường sau khi xảy ra các vụ nổ hôm thứ ba.

Đây không phải là lần đầu tiên các phần tử khủng bố Trung Đông nhắm mục tiêu vào một phòng chờ đợi, nhưng sự kiện đã không xảy ra kể từ năm 2007, khi các phần tử Hồi giáo cực đoan dùng một chiếc xe Jeep Cherokee chở đầy những thùng chứa khí propane đâm sầm qua các cửa của phi trường quốc tế Glasgow. Người duy nhất thiệt mạng lúc đó là một trong những kẻ tấn công.

Trong những vụ tấn công đẫm máu hơn vào năm 1985, các thành viên của nhóm chủ chiến Palestine do Abu Nidal cầm đầu đã nổ súng vào hành khách đang làm thủ tục lên các chuyến bay El Al ở phòng chờ đợi chính tại các phi trường Roma và Vienna, gây thiệt mạng cho 19 người, kể cả một em nhỏ, và làm 140 người bị thương.

Vụ nổ xảy ra ở trạm dành cho các chuyến bay đi Mỹ, nơi có quầy của hãng máy bay American Airlines.
Vụ nổ xảy ra ở trạm dành cho các chuyến bay đi Mỹ, nơi có quầy của hãng máy bay American Airlines.

Nidal khét tiếng về sự tàn ác khôn lường, và các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo IS nay đang bắt chước bọn chúng khi đi tìm những địa điểm dễ dàng và những người dễ bị tấn công nhất để nhắm làm mục tiêu. Các chuyên gia phân tích dự báo vụ tấn công ở Brussels sẽ dẫn đến những hậu quả sâu xa đối với an ninh hàng không tại các phi trường Tây phương.

Theo ông Shashank Joshi, một giảng viên nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức nghiên cứu của Anh Quốc, IS đã chọn các mục tiêu ở phi trường vì cùng những lý do như Nidal đã chọn, “gây gián đoạn và thu hút sự chú ý quốc tế vào cuộc tấn công đến mức tối đa.”

Duyệt xét an ninh quan trọng

Binh sĩ Bỉ đi cùng với hành khách tại sân bay Zaventem ở Brussels, ngày 23/3/2016
Binh sĩ Bỉ đi cùng với hành khách tại sân bay Zaventem ở Brussels, ngày 23/3/2016

Ông Joshi nói vụ tấn công ở phi trường Brussels có phần chắc sẽ châm ngòi cho một cuộc duyệt xét quan trọng về an ninh phi trường tại châu Âu và Hoa Kỳ. Ông dự báo một cuộc tranh luận về việc liệu mọi người có phải đi qua các cuộc kiểm tra thường lệ trước khi được phép vào các trạm hành khách, giống như tại phần lớn các phi trường ở Trung Đông và châu Á.

Ông nói: “Có phần chắc chúng ta sẽ thấy một sự duyệt xét lại an ninh phi trường bởi vì có sự trông đợi chính trị trong những tình huống như thế này, rằng phải làm một việc gì đó, và tăng cường các biện pháp phòng vệ, vì nếu vấp phải sự cố lần thứ nhì, thì sẽ phải trả giá rất cao về chính trị.”

Nhưng ông cảnh báo chống lại việc đặt quá nhiều tin tưởng vào các thủ tục an ninh đang áp dụng tại các phi trường ở Trung Đông và châu Á, và lập luật rằng các thủ tục này đi đến mức “mang tính trình diễn khá vô lý.” Ông nói thêm, “Nếu xảy ra một vụ tấn công lớn bên ngoài một trạm kiểm soát an ninh, là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thì ta sẽ thấy mọi sự gián đoạn ở bên trong phi trường.

Ông lập luận rằng trọng tâm chú ý tại các phi cảng phải là bảo đảm an ninh và an toàn của máy bay.

Giới hữu trách tại phi trường Heathrow ở Anh nói sau vụ tấn công ở Brussels, họ đang tăng cường an ninh tại các phòng chờ đợi và hợp tác với cảnh sát để cung cấp một sự hiện diện nổi bật.

Phi trường lớn khác ở London là phi trường Gatwick cũng làm như thế. Các cấp lãnh đạo phi trường nói, “Do những sự cố khủng khiếp ở Brussels, sẽ có thêm cảnh sát và các cuộc tuần tra an ninh tại Phi trường Gatwick và vùng lân cận.”

Các mục tiêu mềm

Cảnh sát khám xét túi của hành khách tại nhà ga chính ở Brussels, ngày 23/3/2016.
Cảnh sát khám xét túi của hành khách tại nhà ga chính ở Brussels, ngày 23/3/2016.

Nhưng các vụ tấn công ở Brussels nêu bật một thách thức khổng lồ mà các cơ quan an ninh Âu châu đang phải đối mặt, đó là làm thế nào ngăn được các vụ tấn công vào những mục tiêu mềm nhất trong khi các phần tử thánh chiến ngày càng trở nên khó lường về người và vật mà bọn chúng tấn công nằm ngoài vùng chiến trường.

Từ việc tàn sát những người đi nghỉ hè đang nghỉ ngơi và đi dạo trên các bãi biển Địa Trung Hải ở Bắc Phi, cho đến việc bắn hạ những người đi mua sắm, ăn uống và đi xem các buổi hòa nhạc ở Paris, các chiến binh Nhà nước Hồi giao đang biến tất cả mọi người làm một mục tiêu.

Nhưng một liên đoàn đại diện cho các phi trường Âu châu, là Airports Council International Europe, đã đưa ra cảnh báo trong một thông cáo: “Việc có thể tiến hành thêm các biện pháp an ninh như kiểm tra người và hàng hóa vào những địa điểm trên đất ở phi trường có thể gây rắc rối và thực sự tạo ra những điểm yếu mới về an ninh. Bắng cách dời chuyển nơi tụ tập hành khách và khách thăm phi trường đến những nơi không được thiết kế cho mục đích đó, những biện pháp như thế có thể có tác dụng di dời mục tiêu thay vì bảo đảm an toàn cho mục tiêu đó.”

Điều gây lo ngại cho các giới chức tình báo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương là cách thức các mạng lưới IS ở châu Âu trong mấy tháng gần đây đã có thể đúc kết những âm mưu lớn có sự tham gia của nhiều kẻ tấn công mà các dịch vụ an ninh không phát hiện được âm mưu.

Các giới chức tình báo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương nói rằng giai đoạn này trong chủ nghĩa khủng bố “ở mức thấp” 24/7, biến một người Tây phương thành một mục tiêu, cần phải được đáp lại với biện pháp tình báo và kiểm tra thâm sâu hơn, và một sự gia tăng đáng kể về nguồn lực.

Nhưng các chính phủ đang đối mặt với một đợt gió ngược khi nói về việc tăng cường kiểm tra bằng phương tiện điện tử. Sự chống đối của công chúng trước những phương pháp mang tính xâm phạm hơn và thu thập dữ liệu đã gia tăng sau những tiết lộ của Edward Snowden về quy mô kiểm tra các dữ liệu.

Chỉ có thu thập tình báo tốt mới có thể ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố trước khi chúng bắt đầu.

Trong khi đó, các mục tiêu thánh chiến ngày càng trở nên khó đoán hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG