Đường dẫn truy cập

LHQ: Thoả thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ không bảo đảm quyền của người tị nạn


Biểu ngữ 'Nhân quyền không được áp dụng ở đây' được đặt bởi các nhà hoạt động tại một trại tị nạn tạm thời cho những di dân và người tị nạn ở biên giới Hy Lạp-Macedonian, ngày 17/3/2016.
Biểu ngữ 'Nhân quyền không được áp dụng ở đây' được đặt bởi các nhà hoạt động tại một trại tị nạn tạm thời cho những di dân và người tị nạn ở biên giới Hy Lạp-Macedonian, ngày 17/3/2016.

Các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại là thoả thuận mà Liên hiệp Âu châu đạt được Thổ Nhĩ Kỳ mới đây không bảo đảm quyền của hàng vạn người Syria, Iraq và những nước khác vượt biên vào Hy Lạp để chạy trốn xung đột và áp bức. Từ Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ cho chính quyền tại những "điểm nóng" trên những hòn đảo của Hy Lạp qua việc tiếp đón, giúp đỡ và ghi danh những người di dân và tị nạn mới tới.

Phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, bà Melissa Fleming, cho biết cơ quan bà đã đình chỉ những hoạt động tại các trung tâm này vì những qui định trong thoả thuận giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho những nơi này trở thành những cơ sở tạm giam.

Bà Fleming nói: "Trên cơ bản, chúng tôi cung cấp dịch vụ nhân đạo tại các trung tâm đó, phân phối những phẩm vật cứu trợ. Chúng tôi không làm việc đó nữa và chúng tôi sẽ không chở người tị nạn tới những trung tâm này. Chúng tôi cũng sẽ không tham gia vào việc vận chuyển hay đưa người tị nạn tới những cảng khẩu mà từ đó rốt cuộc họ sẽ được đưa lại về Thổ Nhĩ Kỳ."

Cao ủy Tị nạn không phải là một bên trong hiệp định Liên hiệp Âu châu-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cơ quan này cung cấp sự phán xét về pháp lý và đưa ra những khuyến nghị để bảo đảm cho các quyền của người tị nạn.

Bà Fleming cho đài VOA biết rằng cần có một hiệp định có thể chấp nhận được dựa trên luật nhân quyền quốc tế.

Bà Fleming nhận định: "Vấn đề hiệp định này có vi phạm điều gì hay không vẫn phải chờ tới khi nó được thực thi thì mới có thể phán xét được. Tất cả những gì mà chúng tôi có thể nói vào lúc này là vẫn chưa có những biện pháp để bảo đảm quyền của người tị nạn."

Phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, bà Sarah Crowe, nói 19.000 em bé đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp và 10% những em này không có người lớn trong gia đình đi cùng và cần được sự chăm sóc đặc biệt.​

19.000 em bé đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp và 10% những em này không có người lớn trong gia đình đi cùng và cần được sự chăm sóc đặc biệt.
19.000 em bé đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp và 10% những em này không có người lớn trong gia đình đi cùng và cần được sự chăm sóc đặc biệt.

Bà Crowe cho biết: "Chúng ta không nên câu lưu bất kỳ một em bé nào chỉ vì em đó là một người tị nạn hay là một người di dân. Các em được quyền trải qua một thủ tục pháp lý đầy đủ và một sự thẩm định về những lợi ích tốt nhất của các em trước khi chúng ta có bất kỳ quyết định nào liên quan tới các em, kể cả việc đưa các em về nước."

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói những em bé bị mắc kẹt ở Hy Lạp trong một thời gian dài nên được cung cấp dịch vụ giáo dục khẩn cấp và các em bé di dân và tị nạn nên được chủng ngừa các bệnh sởi, sốt bại liệt và nhiễm trùng phổi.

Cơ quan này cảnh báo rằng những biện pháp trong thoả thuận Liên hiệp Âu châu-Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy các em bé và gia đình các em tìm kiếm một con đường khác có nhiều nguy hiểm hơn để tới Âu châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG