Thỏa thuận giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng người tị nạn đã bắt đầu có hiệu lực từ hôm 20 tháng 3, theo đó những người mới tới Hy Lạp sẽ bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp Âu châu sẽ tiếp nhận một con số tương đương những người tị nạn Syria tại các trại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tường thuật do thông tín viên Henry Ridgwell gởi về từ đảo Lesbos của Hy Lạp, nhiều người mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận mà họ xem là vô đạo đức và không hữu hiệu.
Các chiến hạm của liên minh NATO và những chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ đang tuần tiễu ở eo biển ngoài khơi đảo Lesbos của Hy Lạp, giữa lúc Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn chặn một sự tăng mạnh của làn sóng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp.
Trong khi đó, trên bờ biển của đảo Lesbos, những người tình nguyện tiếp tục canh gác 24/24 để tìm kiếm những chiếc thuyền của những người di dân.
Ông Samuel Radber, một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Thập tự Thụy Sĩ, cho biết: "Tôi không nghĩ là những quyết định chính trị sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn đối với người tị nạn. Thế nào thì họ cũng tới đây. Họ vẫn tiếp tục muốn tới đây, bởi vì họ đã bắt đầu chuyến đi từ nhiều tháng hoặc nhiều năm, cho nên họ sẽ tìm cách tới đây".
Cũng giống như hầu hết những nhân viên cứu trợ ở Lesbos, ông Radber mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận giữa Ankara với Brussels. Ông nói: "Chúng ta không thể trao đổi con người như dùng tiền để đổi lấy những con cừu. Họ không phải là những con số. Họ là con người. Cho nên chúng ta không thể nói chúng tôi trả về một người rồi đưa một người khác tới Âu châu. Không thể làm như vậy được".
Trong vài ngày qua, thời tiết xấu đã làm cho những người di dân không thể vượt biển. Nhưng những toán cứu hộ ở Lesbos tin rằng hàng ngàn người, nếu không muốn nói là hàng vạn người, đang chờ ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hy Lạp.
Những người di dân ẩn núp tại các khe núi và ghềnh đá dọc theo bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào hôm 19/3 họ đã bắt hơn 1.700 người di dân cùng với 16 người thuộc các nhóm chuyên đưa người vượt biên.
Nhiều người tới được đảo Lesbos tố cáo cảnh sát biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công thuyền bè của họ. Một số người nói họ bị đánh đập. Ankara phủ nhận cáo giác đó.
Giới hữu trách Hy Lạp tiếp tục đưa những người tị nạn tại các đảo tới lục địa. Ông Abdi Yare Mousseh, một người Somalia tị nạn, cho biết như sau trong lúc chờ phà chở tới thành phố Kavala: "Tôi biết có nhiều người bạn ở Istanbul muốn tới đây. Nhưng chuyến đi không dễ dàng chút nào. Hết sức khó khăn. Một số người khóc lóc. Một số người bị bắt giam. Còn tôi, tôi bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ 6 ngày. Họ chụp hình và lấy dấu tay. Sau đó tôi lại tìm cách tới Lesbos".
Tại các trại tị nạn ở Lesbos, nhiều người đồn đoán là những người đến từ một số nước nào đó sẽ bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ trong nay mai.
Tuy các giới chức ở Brussels cam kết sẽ đối xử một cách công bằng đối với người tị nạn, những người ở tuyến đầu của vụ khủng hoảng di dân này cho rằng thỏa thuận giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ là không hữu hiệu và không hợp pháp.