Trong thông điệp đầu tiên nhắm vào Washington kể từ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 5/11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ quyết tâm không lay chuyển trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, các nhà phân tích Hoa Kỳ cho biết.
Tại một cuộc họp với các quan chức quân đội hôm 15/11, ông Kim đã thề sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của đất nước mình “không giới hạn”, đồng thời lên án Washington về các chiến lược răn đe hạt nhân với Seoul.
“Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không bao giờ thoát khỏi trách nhiệm là thủ phạm phá hủy hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực”, ông Kim nói, theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên. “Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất đối với lực lượng vũ trang của chúng ta là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh”.
Luận điệu hạt nhân
Ông Evans Revere, cựu quyền phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, diễn giải những phát biểu của ông Kim là một thông điệp gửi đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, người mà ông đã gặp trực tiếp ba lần từ năm 2018 đến năm 2019.
“Ông Kim Jong Un đang nói rõ với Tổng thống đắc cử Trump rằng mọi thứ đã thay đổi kể từ các cuộc gặp trước đây của họ”, ông Revere nói với VOA vào ngày 19/11. “Bình Nhưỡng đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế và sẽ không từ bỏ thanh kiếm báu, như họ từng gọi là vũ khí hạt nhân răn đe”.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Tổng thống Trump khi đó và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã sụp đổ trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2019, sau khi ông Trump từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy lời đề nghị của ông Kim về việc tháo dỡ một cơ sở hạt nhân lớn. Kể từ đó, Bình Nhưỡng không hề chậm lại việc tăng cường năng lực hạt nhân của mình.
Trong một trong những động thái mới nhất, chỉ năm ngày trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ, chế độ Triều Tiên đã thử nghiệm một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa mới có tên Hwasong-19 có khả năng vươn tới hầu hết lục địa Hoa Kỳ.
“Sau khi đã phát triển được một lực lượng răn đe đáng tin cậy, hoàn chỉnh với các hệ thống phóng tầm trung và tầm xa tinh vi, Triều Tiên muốn được chấp nhận hoặc ít nhất là được công nhận là một cường quốc hạt nhân”, ông Revere nói.
Ông Kim đang cố gắng nhắc nhở tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức rằng “cánh cửa phi hạt nhân hóa hiện đã đóng chặt và ông sẽ phải đối phó với một Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có ý định giữ lại kho vũ khí hạt nhân của mình”, ông Revere cho biết.
Ông Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Hoa Kỳ về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sáu bên với Triều Tiên, nói ông Kim vẫn muốn gặp ông Trump, nhưng các điều khoản lần này sẽ khác biệt đáng kể.
“Tôi nghĩ Kim Jong Un sẵn sàng đối thoại với chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump, một khi được thành lập”, ông DeTrani nói với VOA qua email vào ngày 19/11.
Ông DeTrani cho biết ông Kim sẽ đến một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng khác với ông Trump “từ một vị thế mạnh mẽ”, xét đến liên minh và hiệp ước quốc phòng của ông với Nga. Nga và Triều Tiên đã cam kết sẽ hỗ trợ nhau nếu bị tấn công.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cảnh báo không nên suy diễn quá sâu vào những gì ông Kim nói.
Liên minh mới
Ông Sydney Seiler, cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Triều Tiên tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết những phát biểu mới nhất của ông Kim không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về cách ông Kim có thể đối phó chính quyền Trump sắp tới.
“Kim Jong Un đang thăm dò những lợi ích có được khi trở thành thành viên tích cực của trục biến động: các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang tìm cách lật đổ trật tự dựa trên luật lệ hiện hành và biện minh cho việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của họ”, ông Seiler nói với VOA hôm 19/11.
Ông Seiler cho biết ông Kim đã bắt đầu hưởng lợi từ sự hợp tác với Nga — tiền mặt, viện trợ lương thực và nhiên liệu, hỗ trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt, khả năng thông thường và sự công nhận và chấp nhận ngoại giao về tình trạng hạt nhân của Triều Tiên.
“Tại sao ông ấy lại tìm đến ông Donald Trump khi ông ấy có những người bạn như ông Vladimir Putin cơ chứ?”
Vào tháng 6 năm nay, ông Kim và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, trong đó kêu gọi Nga và Triều Tiên ngay lập tức hỗ trợ lẫn nhau về mặt quân sự nếu một trong hai bên bị một quốc gia thứ ba tấn công. Nga và Triều Tiên đã lần lượt phê chuẩn hiệp ước thành luật vào đầu tháng này.
Ông Gary Samore, cựu điều phối viên của Tòa Bạch Ốc về kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt, nói với VOA qua email vào ngày 19/11 rằng ông Kim không cần ông Trump hỗ trợ và nới lỏng các chế tài như trước đây vì liên minh mới của ông với ông Putin.
Ông Samore cho rằng một cuộc gặp Trump-Kim khác sẽ không nằm cao trong chương trình nghị sự của ông Trump.
“Các vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Trump sẽ là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông và áp thuế đối với Trung Quốc”, ông nói. “Ngược lại, tình hình Triều Tiên khá ổn định và yên tĩnh, và không ai nghĩ rằng một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim khác sẽ mang lại kết quả lớn”.
VOA hỏi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thông điệp mới nhất của ông Kim đối với Hoa Kỳ nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bài viết này được ấn hành.
Trong phản hồi cho VOA đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Hàn Quốc khỏi bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên.
“Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc bằng cách sử dụng toàn bộ các năng lực phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm năng lực phòng thủ hạt nhân, thông thường và phi đạn, và rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chống lại Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng, áp đảo và quyết liệt”, theo lời người phát ngôn.
Diễn đàn