Đường dẫn truy cập

Một giai đoạn mới cho quan hệ Việt-Mỹ?


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trong thủ đô Washington, 25/7/13
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trong thủ đô Washington, 25/7/13
Hôm thứ Năm 25 tháng 7, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tại thủ đô Washington, trong đó ông loan báo Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hoài Hương của Ban Việt Ngữ-VOA ghi nhận một số điểm đáng chú ý trong bài diễn văn của Chủ tịch nước Việt Nam, và lược qua một số nội dung trong bản tuyên bố chung Việt-Mỹ, cũng như phản ứng trước loan báo này.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang: “Sáng hôm nay tôi đã có cuộc hội đàm với Ngài Tổng Thống Obama. Tôi vui mừng thông báo với các bạn Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện theo đó hợp tác giữa hai nước sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực, chính trị đối ngoại, kinh tế thương mại, đầu tư giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh.”

Với lời phát biểu đó của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trước một cử tọa đông đảo tại trụ sở của CSIS ở Washington chiều hôm qua, dường như quan hệ Việt-Mỹ đang bước sang một ngã rẽ mới.

Khó có thể không nhận thấy sự vui mừng của các quan chức hai nước có mặt trong phòng họp, về thành quả của chuyến đi thăm Hoa Kỳ chớp nhoáng của Chủ tịch nước Việt Nam đã gây khá nhiều tranh cãi. Trước và trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang, nhiều nhà lập pháp thuộc cả lưỡng đảng đã mở điều trần và họp báo, khuyến cáo Tổng Thống Obama chú trọng tới vấn đề nhân quyền, cộng đồng người Mỹ gốc Việt tổ chức kiến nghị và biểu tình, đả kích chiến dịch đàn áp thô bạo ở trong nước đối với các blogger và giới bất đồng, trong khi các tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên tiếng đòi Hà nội trả tự do cho tù chính trị và tù nhân lương tâm. Một trong những người tù được nhiều người biết tiếng, blogger Điếu Cày, đang tiếp tục cuộc tuyệt thực đã kéo dài hơn một tháng.

Hôm qua sau cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung về quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện, “dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.”

Tuyên bố nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện, trên tinh thần “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau” vì hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước.

Về cuộc tranh chấp Biển Đông, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nhu cầu phải tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và nỗ lực đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, gọi tắt là COC.

Tại trụ sở CSIS hôm thứ Năm, ông Trương Tấn Sang nói, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã “thực sự mở rộng và được nâng tầm về cả bề rộng lẫn chiều sâu”:

“Mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lãnh vực cả bề rộng, bề sâu, cũng như hiệu quả của các lãnh vực đó. Nếu nhìn lại cả trên đường dài của lịch sử, chúng ta mới thấy được những bước tiến, những thành tựu trong quan hệ hai nước ngày nay là hết sức có ý nghĩa.”

Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh vai trò của ASEAN và sự gắn bó của Việt Nam đối với tổ chức khu vực này. Ông cho rằng tương lai của Việt Nam gắn liền với khu vực ASEAN, một khu vực có tiềm năng rất lớn, nhưng theo lời ông, những tiềm năng đó chỉ thành hiện thực với điều kiện có an ninh trong khu vực.

“Bảo đảm một môi trường hòa bình, ổn định, ngăn chặn và kiểm soát các xung đột, là trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việc xây dựng và củng cố một cấu trúc khu vực nhằm tăng cường hợp tác, kết nối giữa các nước, về kinh tế thương mại, an ninh, văn hóa, xã hội …. chính là sự đảm bảo hữu hiệu nhất cho hòa bình và thịnh vượng.”

Hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ cũng thừa nhận quá trình lịch sử phức tạp giữa hai nước, nhưng cho rằng nay đã tới lúc phải để lại giai đoạn lịch sử phức tạp ấy lại sau lưng để đưa quan hệ sang một giai đoạn mới, với một quan hệ đối tác toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực.

Vấn đề nhân quyền, đòi hỏi chủ yếu của người Mỹ gốc Việt khắp nơi, kéo nhau đông đảo tới biểu tình tại công viên La Fayette trước Tòa Bạch Ốc trong khi cuộc hội kiến giữa ông Obama và ông Trương Tấn Sang diễn ra, cũng được nhắc qua trong tuyên bố chung, trong đó hai nhà lãnh đạo đồng ý “đối thoại thẳng thắn để tăng sự hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khoảng cách biệt về quyền con người”. Bản tuyên bố viết rằng Tổng Thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”.

Bình luận về diễn tiến có tính bước ngoặt này, báo New York Times hôm thứ Sáu nói rằng chuyến Mỹ du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang được thực hiện sau một giai đoạn đầy thách thức, giưã lúc chính quyền cộng sản Việt Nam tăng cường chiến dịch đàn áp trong nước, bỏ tù blogger, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật bất đồng.

Báo New York Times tường thuật rằng Tổng Thống Obama chỉ nhắc tới các vụ vi phạm bằng những lời lẽ khá là nhẹ nhàng, ông nói “tất cả mọi người chúng ta phải tôn trọng những vấn đề như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do lập hội.” Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết cuộc đối thoại với ông Trương Tấn Sang vô cùng thẳng thắn và rằng hai ông đã bàn về những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này, cũng như những thách thức còn tồn tại.

Phản ứng trước Tuyên Bố Chung Việt-Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA-Việt ngữ, Giaó sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh để dân chủ hóa Việt Nam từng là một tù nhân lương tâm, và cũng là tác giả của quyển sách “Hành trình Dân tộc trong Thời đại Toàn Cầu Hóa”, nhận định:

“Nhận xét đầu tiên của tôi là, đây là một bản tuyên bố chung rất là đầy đủ, nó chứng tỏ quan hệ Việt-Mỹ đã vào một giai đoạn mới, giai đoạn mà quan hệ này là toàn diện. Tôi chưa thấy có tính cách chiến lược, nhưng mà tôi thấy có tính toàn diện, đầy đủ từ quân sự, kinh tế thương mại cho đến chính trị, cho tới nhân quyền, tất cả những vấn đề đều được đề cập tới, và tôi hy vọng rằng đây sẽ là một giờ phúc lịch sử để nó đưa quan hệ Việt-Mỹ sang một giai đoạn mới. Giai đoạn mới này, tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy để nó trở thành một giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ Việt Nam dân chủ tự do, như tất cả chúng ta đều mong muốn.”

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân là Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm Trợ Cao trào Nhân bản, ông là bào huynh của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, được thế giới biết tiếng:

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: “Mới đọc thì tôi thấy bản tuyên bố chung, cũng như những lời tuyên bố về hai phía, thí dụ như là muốn kết thúc tiến trình cho Việt Nam gia nhậâp TPP (hiệp định đối tác Xuyên Thái bình dương, thì ta thấy rất là tốt đẹp, và chuyến đi của ông Trương Tấn Sang có đạt được kết quả tốt, thế nhưng mà cô cũng biết cái đó không tùy thuộc vào ông Tổng Thống Obama mà tùy thuộc ở quốc hội. Tổng Trưởng đặc trách về Á Châu-Thái bình dương Kurt Campbell cũng đã nhắn nhủ nhà cầm quyền Hà nội nhiều lần rằng không có con đường nào khác cả, phải cải thiện nhân quyền thì mới có thể trở thành thành viên của TPP được. Nếu mà không tôn trọng nhân quyền thì cái đó không thể nào thông qua được, vì cái quyền đó không tùy thuộc vào ông Obama, mà tùy thuộc vào quốc hội. Mà quốc hội thì cô thấy rõ là các vị dân biểu, các vị Thượng nghị sĩ kỳ này đã nhiệt liệt phản ứng.”
Đó là ý kiến bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Bác sĩ dược khoa Võ Tấn Huân, một thành viên của Đảng Dân Chủ Việt Nam, phản ứng như sau trước diễn tiến có tính dấu mốc này:

“Mối quan hệ Việt Mỹ nâng lên tầm chiến lược là một chuyện đáng mừng của hai nước, tuy nhiên theo thông cáo chung của Nhà Trắng, giữa Chủ tịch Sang và Tổng Thống Obama thì có nhắc đến việc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như tôn trọng quyền con người, thì Huân cho rằng để 2 nước tiến gần nhau hơn nữa thì không những chỉ tôn trọng, mà còn phải thực thi tất cả những cái quyền, những điều lệ nêu ra trong bản tuyên bố, tức là tôn trọng quyền con người, tôn trọng tự do. Hiện tại bây giờ thì thực tế Việt Nam thì ai cũng đã rõ rồi, không những Việt Nam cần phải tôn trọng mà Việt Nam còn cần phải thực thi nữa. Bởi vì Việt Nam đã thông qua điều lệ này rồi, thì giờ phải thực thi để đưa hai nước tiến tới một giai đoạn mới, gần nhau hơn, không những giúp cho quan hệ tốt đẹp hơn mà còn giúp cho người Việt Nam có cơ hội để mở ra sâu rộng với thế giới sau này.”

Nói chung, nhiều người cho rằng việc Hà nội và Washington xích lại gần nhau là một dấu hiệu tốt đẹp, nhưng mọi sự còn tùy thuộc vào liệu hành động có đi đôi với lời nói – ở cả hai bên - hay không. Trong khi chờ đợi, quan hệ giữa hai nước hãy còn phức tạp, khác biệt quan điểm hãy còn sâu rộng, và chỉ có thời gian mới trả lời được liệu những gì đã được hai nhà lãnh đạo cam kết với nhau trong cuộc gặp lịch sử, vốn đã làm lóe lên một tia sáng hy vọng, có dẫn tới biến chuyển nào có ý nghĩa hay không.


VOA Express

XS
SM
MD
LG