Đường dẫn truy cập

Tổ chức MEK của Iran tranh tụng tại tòa án Mỹ để ra khỏi danh sách khủng bố


Một nhóm đối lập Iran đang tranh tụng tại tòa phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ đòi Bộ Ngoại giao Mỹ lấy tên nhóm này ra khỏi Tổ chức Khủng bố Nước ngoài. Nhóm Mujahedin-e Khalq, hay là MEK, cho biết họ đã thay thế đường lối bạo động bằng vận động chính trị, nhưng vẫn chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ lấy tên ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Ngày này sang ngày khác, những người ủng hộ nhóm MEK tổ chức biểu tình trước Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington, đòi bỏ tên của nhóm ra khỏi danh sách các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài.

Nhóm này còn được biết đến với tên tổ chức Nhân dân Mujahedin Iran, hay là PMOI, đã tranh tụng tại tòa án Liên bang, tìm cách buộc Ngoại trưởng Hillary Clinton quyết định về vụ này.

Vào năm 2009, tòa án yêu cầu Bộ Ngoại giao duyệt xét lại việc liệt kê nhóm này vào danh sách khủng bố, và cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn bị liệt kê vào, hay được lấy ra khỏi, danh sách khủng bố.

Ông Allan Gerson, 1 luật sư của nhóm MEK, tranh luận rằng Bộ Ngoại giao đã chậm đáp ứng:

“Cách nay một năm rưỡi, nhóm MEK/PMOI tranh tụng tại tòa phúc thẩm Hoa Kỳ, để hỏi xem có phải họ bị từ khước tiến trình xét xử không. Bởi vì, ngay một tổ chức nước ngoài cũng được quyền hưởng 1 tiến trình pháp lý nào đó. Người ta không thể bị liệt kê vào một danh sách khủng bố, mà không theo tiêu chuẩn nào. Bằng không, người ta hoàn toàn phải phó thác vào tay một cơ quan liên bang.”

Danh sách của Bộ Ngoại giao phát xuất từ một đạo luật Mỹ năm 1996. Dựa theo tiêu chuẩn nào một tổ chức có thể bị liệt kê vào danh sách đó? Giáo sư Paul Pillar thuộc trường đại học Georgetown giải thích:

“Theo luật, thì những tiêu chuẩn là một tổ chức nước ngoài, đã từng can dự đến khủng bố, và có khả năng hoặc có khuynh hướng thực hiện khủng bố mà trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến lợi ích của Hoa Kỳ.”

Ông Steven Schneebaum, một luật sư khác đại diện cho MEK, nói rằng theo những định nghĩa rõ rệt như trên, thì nhóm này phải được lấy tên khỏi danh sách:

“Nhóm đó không có – và tôi sử dụng ngôn từ luật pháp - nhóm đó không có khả năng, hoặc ý định, tham gia hoạt động khủng bố. Đó là những căn bản luật định để bị liệt vào danh sách, như một Tổ chức Khủng bố Nước ngoài. Bộ trưởng Ngoại giao phải xác định được là một tổ chức có cả khả năng lẫn ý định tham gia hoạt động khủng bố.”

Ông Schneebaum nói vào năm 2003, khi lực lượng Mỹ tiến vào căn cứ MEK tại Iraq, gọi là Trại Ashraf, những người cư trú trong đó đã nộp vũ khí và ký cam kết từ bỏ hoạt động khủng bố và bạo động. Ông Schneebaum lập luận rằng điều đó đã đáp ứng tiêu chuẩn theo luật định để được lấy tên ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố.

Các luật sư của nhóm mới đây đã nộp một hồ sơ pháp lý, gọi là Writ of Mandamus, tương tự như một trát của tòa trên, buộc Ngoại trưởng Clinton phải quyết định, nhưng theo giới chức Bộ Ngoại giao Henry Wooster, thì bà Clinton vẫn chưa sẵn sàng hành động:

“Chưa. Không đâu, chưa có một quyết định chung cuộc về vấn đề lấy tên nhóm này ra khỏi danh sách.”

Theo một số quan sát viên chính trị, ý định của Mỹ, không muốn gây xáo trộn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran có thể là lý do vì sao qui chế của tổ chức MEK chưa được thay đổi - vào lúc này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG