Cựu đại sứ Hoa Kỳ Mitchell Reiss vào tháng Tư năm 2011 yêu cầu Bộ Ngoại giao rút tên MEK ra khỏi danh sách khủng bố ngay lập tức. Cựu đại sứ Reiss là một trong những nhân vật nổi tiếng Hoa Kỳ yêu cầu Mujahedin-e Khalq, viết tắt là MEK, được đưa ra khỏi danh sách các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một diễn giả khác trong cuộc họp tại Washington là cựu Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên Quân, Đại tướng Richard Myers.
Ông nói: “Đưa MEK ra khỏi danh sách rõ ràng là một việc làm đúng đắn. Đã quá nhiều thời giờ trôi qua mà chưa làm việc này.”
Những lời phát biểu như vậy nhân danh MEK, còn được biết dưới tên Tổ chức People's Mujahedin của Iran, trùng hợp với một vụ kiện nhằm buộc Bộ Ngoại giao đưa tên tổ chức đối lập Iran này khỏi danh sách khủng bố, được áp đặt vào năm 1997.
Tuy nhiên chuyện vận động này có một giá phải trả như Tướng Myers công nhận với ông Negar Mortezavi, phóng viên Đài VOA.
Phóng viên Mortezavi hỏi: “Đại tướng có nhận tiền thù lao để tham dự sự kiện ngày hôm nay không?”
Đại tướng Myers trả lời: “Có”
Những phúc trình được công bố cho thấy nhiều người Mỹ ủng hộ MEK được trả 25.000 đôla cho mỗi lần xuất hiện.
Những nguồn tin cho biết Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đang điều tra về các phí khoản này. Bộ không nói có bao nhiêu diễn giả có thể bị điều tra.
Luật sư Eric Ferrari tại Washington tin là tiếng tăm của những người Mỹ này và sự bênh vực của họ đối với MEK, làm phát sinh cuộc điều tra. Luật sư Ferrari nói:
“Mọi người đưa ra nhiều câu hỏi. Tại sao họ lại không bị điều tra? Làm thế nào họ thoát được việc này?”
Một người Mỹ được biết đang bị điều tra là cựu chủ tịch Ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ, ông Ed Rendell.
Tin cho biết hai người ủng hộ MEK khác, cựu Bộ trưởng Tư pháp Michael Mukasey, và cựu Giám đốc FBI Louis Freeh đã thuê luật sư vì cuộc điều tra này. Ông Freeh nói ông không được trả tiền cho những cuộc xuất hiện cổ vũ cho Mujahedin.
Một luật sư đại diện cho MEK nói những người Mỹ này có quyền hiến định được ghi trong Tu chính án thứ Nhất dể bênh vực cho tổ chức dù tổ chức này có tên trong danh sách khủng bố nước ngoài.
Luật sư Steven Schneebaum nói: “Hiện nay có thể có một đường ranh mờ nhạt - ngay cả có thể đó là một đường ngoắt ngoéo được vạch ra. Tuy nhiên đó là một đường ranh, và là một đường ranh quan trọng, vì vấn đề này đưa đến câu hỏi là liệu công dân Hoa Kỳ có quyền nói lên cảm nghĩ của họ hay không.”
Những người chỉ trích MEK cho rằng tổ chức này đã tránh được việc cấm đoán và hạn chế của Hoa Kỳ bằng cách trả cho những người Mỹ này qua nhiều hình thức khác nhau. Giáo sư Paul Pillar, trường đại học Georgetown nói:
“Tổ chức MEK đã sử dụng một số tên, hay những tổ chức bình phong, khi tài trợ cho chiến dịch này. Nếu nhìn vào một số quảng cáo lớn trên báo chí, không thấy nói đến tên Mujahedin-e Khalq. Họ chỉ nói mơ hồ, thí dụ như “nhân danh Iran các học giả Anh Quốc … đại loại như thế.”
Cho đến nay, chiến dịch giao tế quần chúng đã không thay đổi được chuyện Bộ Ngoại giao liệt kê MEK trong danh sách các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài.
Vụ kiện Bộ Ngoại giao của tổ chức này tại tòa án liên bang để được lấy tên ra khỏi danh sách khủng bố sẽ được nói đến trong phần kế tiếp của loạt bài này.
Tin tức cho biết Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đang điều tra ít nhất một người Mỹ nổi tiếng bị cáo buộc ủng hộ đối lập Iran Mujahedin-e Khalq, gọi tắt là MEK một tổ chức có tên trong danh sách những Tổ chức Khủng bố Nước ngoài. Trong phần này thuộc loạt bài cộng tác với Catherine Schell, Thông tín viên Đài VOA Jeffery Young xem xét chiến dịch giao tế quần chúng rộng lớn và tốn kém do MEK thực hiện để làm áp lực với Hoa Kỳ hủy bỏ việc chỉ định tổ chức này là một tổ chức khủng bố.