Tổ chức đối lập Iran, Mujahedin-e Khalq, hay MEK, đang theo đuổi một cuộc vận động hai phần để được bỏ ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Một phần là nỗ lực giao tế quần chúng liên quan tới những người Mỹ có tiếng tăm ủng hộ cho họ.
Phần khác là – một vụ khởi tố ở tòa án nhắm vào Bộ Ngoại Giao.
Tổ chức MEK nói họ đã từ bỏ đường lối khủng bố nhiều năm trước đây. Nhưng nguồn gốc đẫm máu của tổ chức này vẫn còn như giáo sư Paul Pillar của Trường đại học George Town thuật lại.
“MEK có một lịch sử trở ngược về thời của quốc vương Shah vào thập niên 1970. Đó là một tổ chức đưa ra một ý thức hệ trộn lẫn Hồi Giáo và chủ nghĩa Marxít. Và trong số những hoạt động ban đầu của họ là giết chóc nhắm vào các nhân viên Hoa Kỳ, trong đó có các quân nhân Mỹ tại Iran.”
Trong cuộc cách mạng Hồi Giáo năm 1979, tổ chức MEK ủng hộ Ayatollah Khomeini và ủng hộ việc chiếm giữ Sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran.
Cựu con tin John Limbert nói:
“Họ chống lại bất cứ hành động nào hầu dàn xếp vụ này. Đã có những lúc họ rất lớn tiếng kêu gọi xét xử và hành quyết chúng tôi.”
Tuy nhiên, khoảng năm 1981, MEK tách ra khỏi chế độ do phe tu sĩ nắm quyền, tung ra một chiến dịch đánh bom giết chết Tổng Thống và Thủ Tướng Iran. Rồi nhóm lãnh đạo của họ chạy trốn sang châu Âu.
MEK đứng về phe Iraq trong cuộc chiến tranh với Iran từ năm 1980 tới năm 1988.
Trong năm 1986, nhà độc tài Iraq Saddam Hussein thiết lập một khu vực được gọi là Camp Ashraf cho tổ chức này ở phía bắc Baghdad.
Năm 1991, lực lượng của MEK bị tố cáo là tham gia với Saddam trong việc đàn áp những cuộc nổi dậy của người Kurds tại miền bắc Iraq và người Shia ở miền nam.
Tháng Tư năm 1992 MEK tấn công các Sứ quán và những cơ sở của Iran tại 13 quốc gia. Năm 1997, một đạo luật mới của Hoa Kỳ đặt MEK và 29 tổ chức khác vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài FTO.
Anh và Liên Hiệp Châu Âu cũng đặt MEK vào danh sách khủng bố.
Năm 2002, tổ chức này nói rằng họ đã phát hiện những cơ sở hạt nhân của Iran ở Natanz và các nơi khác.
Năm sau đó, Hoa Kỳ và quân đội đồng minh lật đổ Saddam Hussein. Khi binh sĩ Hoa Kỳ tới Camp Ashraf, các thành viên của MEK ở đó đã ký cam kết từ bỏ võ khí và đường lối khủng bố.
Cũng năm 2003, nhà chức trách Pháp bắt người lãnh đạo của MEK, Mzryam Rajavi, cùng với khoảng 160 người ủng hộ, vì bị tố cáo là tài trợ và hoạch định các cuộc tấn công khủng bố. Sau đó Rajavi được phóng thích.
Ngày nay, các cư dân ở Camp Ashraf được di dời sau những cuộc tấn công của quân đội Iraq năm 2009 và 2011.
Nhưng luật sư Hoa Kỳ đại diện cho tổ chức này nói việc Hoa Kỳ liệt kê MEK là một tổ chức khủng bố nước ngoài là một trở ngại chính cho nỗ lực tái định cư. Luật sư Allan Gerson nói:
“Tôi có tin việc duy trì MEK trên danh sách FTO gây trở ngại nghiêm trọng cho khả năng của họ đi định cư ở nước ngoài hay không? Tôi hoàn toàn tin điều đó.”
Phần kế tiếp của loạt bài này sẽ xem xét tới chiến dịch giao tế quần chúng của MEK liên quan tới những người Mỹ có tiếng tăm, và vụ tranh tụng của tổ chức này tại tòa án với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1