Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á hôm 14/6 đã tìm cách hàn gắn những bất đồng trước nhượng bộ của Tổng thống Donald Trump đối với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un rằng Mỹ sẽ ngừng tập trận với Hàn Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump không hề thay đổi lập trường cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong các cuộc gặp với giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản, đã tìm cách lý giải tỉnh táo hơn một số động thái của ông Trump sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim vốn đã gây ra sự lo lắng ở Washington, Tokyo và Seoul. Ông nói rằng lời phát biểu gây tò mò của ông Trump rằng mối đe dọa của Bắc Triều Tiên không còn nữa được đưa ra ‘với mắt mở to’ và bác bỏ thông tin của truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên rằng ông Trump muốn cho Bình Nhưỡng một số nhượng bộ thậm chí trước khí họ tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của họ.
“Chúng ta sẽ có việc giải trừ vũ khí hạt nhân,” ông Pompeo nói ở Seoul. “Chỉ khi đó thì các lệnh trừng phạt mới được nới lỏng.”
Từ Seoul, ông Pompeo đã bay đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, nước có ảnh hưởng lớn với Bình Nhưỡng với tư cách là đồng minh chính và đối tác kinh tế chính. Ông cũng có buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tại một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nhắc lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với một giải pháp chính trị, trong khi nhắc đến việc cuối cùng phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Chúng tôi tình rằng các lệnh trừng phạt bản thân chúng không phải là mục đích cuối cùng,” ông Cảnh nói.
Về cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà ông Trump đã nói là ông sẽ chấm dứt, ông Pompeo nhấn mạnh một cảnh báo then chốt: nếu nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thôi đàm phán thiện chí thì Mỹ-Hàn sẽ nối lại tập trận chung.
Tuy nhiên ngay cả khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đang tìm cách đưa thời cơ cuộc gặp thượng đỉnh trở thành những bước tiến mới trên vấn đề hạt nhân, vẫn còn những câu hỏi liệu ông Trump đã nhượng bộ quá nhiều để đổi lại quá ít.
Loan báo của ông Trump sau khi kết thúc cuộc họp với ông Kim rằng ông sẽ dừng các cuộc tập trận chung ‘khiêu khích’ đã gây sốc cho Hàn Quốc và khiến phần lớn giới quân sự Mỹ chưng hửng. Lâu nay Bình Nhưỡng vẫn muốn chấm dứt các cuộc tập trận mà họ xem là diễn tập xâm lược, nhưng các đồng minh có hiệp ước của Mỹ là Nhật và Hàn thì xem đó là yếu tố then chốt cho an ninh quốc gia của họ.
Do đó, ông Pompeo cần đưa ra lời giải thích đối với các đồng minh về những gì đã xảy ra ở Singapore.
Về mặt công khai, ít nhất nhà lãnh đạo Hàn Quốc xem kết quả cuộc gặp thượng đỉnh là tích cực trong cuộc gặp ngắn với ông Pompeo tại Phủ Tổng thống. Tổng thống Moon Jae-in gọi đó là ‘thành tích lịch sử thật sự’ vốn ‘đưa chúng ta từ kỷ nguyên thù địch hướng đến kỷ nguyên đối thoại, hòa bình và thịnh vượng’.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy mối quan ngại về việc ngừng tập trận này chưa được giải quyết ổn thỏa khi ông Pompeo gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói với các phóng viên sau đó rằng vấn đề ngừng tập trận ‘không được thảo luận sâu sắc’.
“Đây là vấn đề mà giới chức quân sự Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ cần phải thảo luận sâu hơn và phối hợp,” ông Kang nói.
Mỹ đã đồn trú quân đội ở Hàn Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và đã huy động lực lượng này trong nhiều cuộc tập trận. Cuộc tập trận được lên kế hoạch kế tiếp, với sự tham gia của hàng chục ngàn lính, thường là diễn ra vào tháng Tám.
Về vấn đề phi hạt nhân hóa, trong bản Tuyên bố chung ngắn gọn gồm bốn điểm được ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh, Bắc Triều Tiên cam kết ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên’ – lời hứa mà họ từng đưa ra rồi sau đó nuốt lời một vài lần trong vòng 25 năm qua.
Tuyên bố này không hề đề cập đến việc kiểm chứng mặc dù ông Trump lâu nay vẫn nhấn mạnh vào việc phi hạt nhân hóa ‘hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược’. Nhưng ông Pompeo đã sừng sộ với các phóng viên khi bị hỏi dồn về việc tại sao Tuyên bố chung không nhắc đến kiểm chứng. Ông nói các câu hỏi về vấn đề này là ‘xúc phạm’ và ‘nực cười’.
Ông nói ông tin rằng Bắc Hàn hoàn toàn hiểu rằng kiểm chứng là cần thiết. Ông chỉ ra rằng tuyên bố có nhắc lại những thỏa thuận trước đây vốn có đề cập đến việc kiểm chứng và do đó, Tuyên bố chung Trump-Kim tự động ‘đưa vào’ nội dung kiểm chứng mà không cần nói thẳng ra.