Chuyến công du của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien tới Việt Nam và Philippines được nhận định là nỗ lực phút chót của chính quyền Donald Trump nhằm củng cố di sản chống tham vọng của Trung Quốc trong khi cũng có ý kiến cho rằng việc này chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề hậu bầu cử trong nước.
‘Đánh bóng di sản’
Ông O’Brien dự kiến có mặt tại Hà Nội vào ngày 20 và 21/11 để gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Sau đó, ông sẽ đến Manila.
Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc thông báo trên Twitter rằng chuyến đi của ông O’Brien nhằm ‘tái khẳng định sức mạnh của mối quan hệ song phương của chúng ta và thảo luận về hợp tác an ninh khu vực’.
Sự kiện này diễn ra sau chuyến thăm Hà Nội vào tháng trước của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Pompeo, trong chuyến công du Philippines hồi năm ngoái, nói rằng Washington sẽ bảo vệ Manila nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Úc, dự đoán rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ ra tuyên bố chung về hợp tác trong khuôn khổ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do – tầm nhìn chính sách đối ngoại mang dấu ấn của chính quyền Donald Trump trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
“Rõ ràng là Tổng thống Donald Trump đang và sẽ tiếp tục đưa ra một số sáng kiến về ngoại giao để đánh bóng di sản của mình khi nhiệm kỳ của ông ấy sẽ kết thúc sau hai tháng nữa,” ông Thayer nói với tờ South China Morning Post (SCMP).
Ông Thayer cho rằng một thỏa thuận như vậy với Việt Nam sẽ đặt ‘sự đã rồi’ cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Các cam kết khả dĩ bao gồm tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên của các nước, cũng như việc mua bán thiết bị, nhằm giúp Việt Nam chống cự các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam?
Việt Nam hy vọng Biden sẽ có thái độ tiếp thu đối với mối quan hệ song phương đã được tăng cường, cũng theo lời ông Thayer nói trên SCMP.
“Việt Nam hy vọng vào sự tiếp tục hỗ trợ của ông Biden đối với mối quan hệ đối tác toàn diện vốn đã được đàm phán khi ông Barack Obama còn là Tổng thống,” ông được dẫn lời nói.
“Sự lo lắng nằm ở lo ngại rằng ông Biden sẽ chú tâm hơn đến việc hàn gắn các mối quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực và sẽ quá thận trọng trong việc đối phó Trung Quốc,” ông Thayer nói thêm.
Mặc dù có nhiều kỳ vọng vào chuyến đi của ông Pompeo đến Việt Nam – vốn là sự bổ sung vào phút cuối trong hành trình qua 5 nước châu Á – chuyến công du đó không đem lại thỏa thuận cụ thể nào.
Giáo sư Thayer nói các cuộc tiếp xúc của ông Pompeo tại Hà Nội có lẽ đã trở nên xấu đi trước việc Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ công bố hai cuộc điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và xuất khẩu gỗ lậu.
“Chuyến đi này của ông O’Brien cho thấy Nhà Trắng đã giải quyết các quan ngại của Việt Nam, do đó đặt cơ sở cho loan báo quan trọng được dự đoán trước,” Giáo sư Carl Thayer nhận định với SCMP.
Ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, cho biết có khả năng các cuộc đàm phán xung quanh chuyến thăm của O’Brien là một yếu tố khiến Hà Nội quyết định không chúc mừng ông Joe Biden.
“Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục giao thiệp với các quan chức của chính quyền Trump để củng cố những thành tựu gần đây trong hợp tác song phương. Chuyến công du của ông O’Brien tới Việt Nam sẽ đóng góp vào tiếntrình đó,” ông Hiệp được SCMP dẫn lời nói.
Còn phải chờ xem
Trong khi đó, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ châu Á - Mỹ, cho rằng chuyến thăm của ông O’Brien ‘không có gì quan trọng’ vì nó diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump rồi.
“Phải xem trong mấy ngày tới họ có đưa ra được cái gì mới hay không, hai nước có ký kết cái gì mới hay không,” ông Long nói với VOA.
Vị giáo sư này cũng cho rằng dù hai nước có ký kết gì đi nữa thì khi ông Joe Biden nhậm chức, Tổng thống mới có thể thay thế những điều đã ký kết ‘nếu ông thấy không có lợi cho nước Mỹ’.
Theo học giả này, mặc dù quan hệ song phương Mỹ-Việt dưới thời ông Donald Trump có được tăng cường, nhưng ông Trump lại ‘làm yếu đi mối quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực’. Cho nên, việc tăng cường quan hệ Mỹ-Việt là ‘không hiệu quả nhiều lắm’, ông Long phân tích.
Giáo sư Long dự đoán chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách gần gũi với Hà Nội nhưng ‘sẽ cần thời gian’. “Bây giờ ưu tiên của chính quyền Biden là phải lo cho các vấn đề trong nước như dịch Covid-19, rồi vấn đề kinh tế, công ăn việc làm. Nếu kinh tế Mỹ suy yếu thì Mỹ khó có thể tăng cường quan hệ với các nước khác,” ông giải thích.
Theo chuyên gia này, việc Mỹ bảo hộ thương mại ‘có thể tiếp tục dưới chính quyền ông Biden’ mặc dù ‘nó đã gây khó rất nhiều cho Mỹ nhưng rất khó mà bỏ ngay được vì người dân Mỹ sẽ phản ứng’. Việt Nam từng bị Tổng thống Trump cho là ‘nước lạm dụng thương mại rất tồi tệ’.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long bày tỏ hy vọng ông Biden, vốn là người quen thuộc với cơ chế đa phương dưới thời Tổng thống Barack Obama, sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ chế này.