Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Việt Nam


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Quan hệ Mỹ-Việt và chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Michael R Pompeo đến Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 29 đến 30 tháng này, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công An Tô Lâm.

ờ thông tin đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/10 cho biết Ngoại trưởng Pompeo đến Việt Nam để tái khẳng định sự lớn mạnh của đối tác toàn diện giữa hai nước, kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, và thảo luận về những vấn đề đôi bên cùng quan tâm tại Biển Đông và khu vực sông MeKong.

Về đối tác toàn diện Mỹ-Việt

Cách đây 25 năm, Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Để tiến bước nữa, bản thông tin của Bộ Ngoại giao nói, đầu tiên đôi bên phải nhìn lại và đối mặt với di sản chiến tranh và làm việc với các cựu chiến binh, các gia đình và những người bị ảnh hưởng vì chiến tranh. Ngày nay hai quốc gia là đối tác tin cậy với tình hữu nghị căn cứ trên sự tôn trọng lẫn nhau, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Trong những lĩnh vực đa dạng như thương mại, phát triển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, và an ninh, Hoa Kỳ và Việt Nam đang làm việc với nhau với cam kết chung về hòa bình và an ninh.

Cam kết cùng chia sẻ này được Tổng thống Trump và Chủ tịch Quang nêu lên trong thông cáo chung tháng 11/2017 nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Hà Nội. Cam kết này sau đó được tăng cường bằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tháng 7/2018 và Bộ trưởng Quốc phòng Esper tháng 11/2019 đến Việt Nam để gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu. Những chuyến viếng thăm đó xác nhận cam kết của Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Việt Nam về Kế hoạch Hành động Hợp tác Quốc phòng 2018-2020.

Vẫn theo bản phổ biến thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm Việt Nam của chiến hạm USS Theodore Roosevelt nhân kỷ niệm 25 năm và chuyến viếng thăm lịch sử vào tháng 3/2018 của USS Carl Vincent, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam trong hơn 40 năm, nêu bật sự ủng hộ của Mỹ dành cho một Việt Nam vững mạnh và độc lập và chứng tỏ tình hữu nghị Mỹ-Việt sâu sắc.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao những tiến bộ trong việc giao lưu giữa nhân dân hai nước. Mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt Nam theo học tại Mỹ. Họ trở về Việt Nam với một giáo dục đẳng cấp thế giới và những công cụ cần thiết để góp phần vào nền kinh tế đang lớn mạnh. Bộ nói tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ vui mừng ký Thỏa thuận Thực thi Đoàn Hòa bình Peace Corps, làm sâu rộng thêm các mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau. Vào ngày 9/9, chính phủ Mỹ loan báo thành lập Học viện Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, được kỳ vọng như là một nền tảng tuyêt hảo cho việc phát triển vốn nhân lực mạnh mẽ trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ tán dương việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN 2020 và chứng tỏ được sự lãnh đạo mạnh mẽ và xây dựng trong lúc khu vực đối phó với COVID-19. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý, trong năm nay đã diễn ra hội nghị trực tuyến bàn về COVID giữa Ngoại trưởng Mỹ và các đối tác ASEAN và hội nghị các Bộ trưởng Y tế Mỹ-ASEAN lần đầu tiên. Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội nghị Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tháng 12 năm nay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng xác nhận cam kết bảo vệ và tăng tiến nhân quyền trong hai Tuyên bố chung Mỹ-Việt. Mỗi năm hai nước họp lại để chia sẻ những quan ngại và trao đổi ý kiến về việc làm thế nào tăng tiến và bảo vệ nhân quyền.

Tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Cách đây 25 năm hầu như không có thương mại hai chiều về hàng hóa nhưng nay giao thương đã lớn mạnh, trị giá hơn 81 tỉ đô la hàng năm. Mỹ cam kết thi hành thương mại hai chiều và công bằng với Việt Nam, cũng như đầu tư về khí hậu rộng mở bằng cách giảm các rào cản thương mại và tiến đến cải cách theo thị trường. Sự phối hợp giữa đôi bên, thông cáo viết, đảm bảo lưu thông hàng hóa tự do và công bằng và đầu tư giữa hai nước sẽ đi đến kết quả thịnh vượng chung.

Mỹ-Việt chia sẻ tầm nhìn về vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở

Hoa Kỳ ủng hộ một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có Biển Đông. “Chúng tôi tôn trọng quyền và lợi ích của Việt Nam và tìm cách gìn giữ hòa bình và tự do trên các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế,” tờ thông tin trên website Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo một chính sách rõ ràng về những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 7 và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ chuẩn bị có hành động mạnh mẽ chống lại chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ đứng về phía các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các đối tác để bảo vệ chủ quyền các nước này đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi tại Biển Đông, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế.

“Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố chủ quyền trên biển của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chúng tôi sẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm phá hoại trật tự trên biển, theo luật lệ, tại Biển Đông hay các nơi khác,” bản thông tin viết tiếp.

Việt Nam là một đối tác bền vững của Hoa Kỳ trong những công việc làm tăng trưởng sự phồn thịnh của vùng MeKong, Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Vào tháng 9, Việt Nam và Mỹ đồng chủ toạ phát động đối tác MeKong-Mỹ, một sự mở rộng những nỗ lực của đôi bên để hỗ trợ sự tự trị và tăng trưởng của 5 nước vùng MeKong. Hoa Kỳ công nhận những nỗ lực của Việt Nam nâng cao tiểu vùng sông MeKong trong ASEAN và chia sẻ quan điểm một vùng MeKong thịnh vượng và lành mạnh là căn bản của sự thịnh vượng toàn ASEAN.

Cuối bản thông tin, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 5/10, Hoa Kỳ và Việt Nam có những cuộc thảo luận cấp cao để mở rộng sự hợp tác môi trường và khoa học tại khu vực sông MeKong, trong đó có việc chống lại buôn lậu động thực vật hoang dã và chặn đứng nạn đánh cá bất hợp pháp không báo cáo và không qui định.

“Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong hoạt động của những đập nước ở thượng nguồn và hạn chế việc chia sẻ dữ liệu nước với những quốc gia ở hạ lưu qua Ủy ban Sông MeKong.” Những hành động xấu xa và gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực MeKong trong đó có việc vận dụng dòng chảy của con sông đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người dựa vào dòng sông để mưu sinh, bản thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý.

(Nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG