Mỹ chỉ có thể ganh đua để giữ ưu thế chứ không thể triệt tiêu được sức mạnh của Trung Quốc và có những chỗ cần hợp tác với Bắc Kinh, một học giả Mỹ về Trung Quốc nhận định, trong khi Bắc Kinh đã sẵn sàng đối đầu Mỹ với sự tự tin ngày càng cao.
Đó là nhận định của ông Ryan Hass, chuyên viên nghiên cứu cao cấp và là chủ tịch chương trình đối ngoại tại Viện Brookings, viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ, tại buổi thảo luận ‘Hướng tới chiến lược tốt hơn đối với Trung Quốc’ do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Hoa Kỳ tổ chức hôm 6/4.
Ông Hass cũng là tác giả cuốn sách nhan đề ‘Mạnh hơn: Điều chỉnh chính sách Trung Quốc của Mỹ trong thời đại lệ thuộc lẫn nhau nhưng cạnh tranh’ (Stronger: Adapting America’s China Strategy in an Age of Competitive Interdependence) vốn được giới thiệu tại buổi nói chuyện.
‘Mỹ đã vào thế’
Vẫn còn sớm để đánh giá về chính sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden khi mà những nhân vật phụ trách quan trọng vẫn chưa nhận nhiệm sở nhưng ông Hass cho rằng nhìn chung thái độ và giọng điệu của Mỹ vẫn như trước, mặc dù ‘có một số thay đổi tinh tế’.
“Họ (chính quyền Biden) không còn tìm cách phân biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc với người dân Trung Quốc. Chúng ta cũng không nghe nói nhiều đến sự cắt đứt kinh tế toàn diện giữa hai nước nữa (economic decoupling),” ông nói.
Tình trạng quan hệ Mỹ-Trung xấu đến mức ngày hôm nay là kết quả của sự căng thẳng ngày càng tăng dần trong thời gian dài, nhà nghiên cứu này nói. Đề cập đến cuộc tiếp xúc mới đây giữa giới chức ngoại giao hai nước tại Alaska, ông Hass nói bầu không khí căng thẳng trong cuộc gặp ‘không khác so với những gì mà chúng tôi nghe được từ các đồng nghiệp Trung Quốc lâu nay’ và ‘điều đó cho thấy quan hệ song phương mang tính đấu tranh rất cao’.
Giải thích cho sự đối đầu này, ông Hass nói: “Cả hai nước đều tin rằng chế độ của họ là ưu việt nhất và hiệu quả nhất. Cả hai nước đều muốn có quyền lực thông qua thành công đã được chứng tỏ của chế độ họ. Và cả hai nước đều cho rằng họ xứng đáng có quyền lãnh đạo trên trường quốc tế.”
“Quan hệ hai nước về cơ bản là cạnh tranh. Hai nước có chế độ chính trị khác biệt, có tham vọng đối chỏi nhau, có những lợi ích khác biệt không thể dung hòa chẳng hạn như sự cân bằng giữa tự do cá nhân và ổn định xã hội, vai trò của kinh tế nhà nước, cán cân quyền lực trong hệ thống quốc tế, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan,” ông chỉ ra.
“Rất khó để nước này áp đặt ý chí của mình lên nước kia và cũng rất khó để cho Mỹ hay Trung Quốc chấp nhận vai trò thứ yếu cho nước kia do bản ngã quốc gia của họ.”
Trong hoàn cảnh đó, con đường để đấu tranh hiệu quả với Trung Quốc, nhà nghiên cứu này cho rằng, Mỹ ‘nên thu hẹp khoảng cách với các nước đồng minh thay vì mở rộng nó (như dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump)’ bởi vì chỉ như vậy thì Mỹ mới tăng trọng lượng trước Trung Quốc để có thể ảnh hưởng đến hành vi của họ.
“Chúng ta không thể quyết định thể chế chính trị của Trung Quốc cho dù chúng ta có muốn hay không. Chúng ta không thể quyết định quy mô nền kinh tế Trung Quốc cho dù chúng ta rất muốn. Nhưng chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến những quyết định của Bắc Kinh trên những vấn đề quan trọng đối với Mỹ nếu như chúng ta có thể làm việc cùng các đồng minh và đối tác cùng chung chính nghĩa. Khi đó chúng ta có thể củng cố lợi thế cạnh tranh của mình trước Trung Quốc, đó là hệ thống đồng minh, đó là uy tín quốc tế (những điều đã bị phá hủy dưới thời ông Trump)” ông đề xuất.
Ngoài ra, ông kêu gọi chính quyền Biden ‘khiến Trung Quốc phải trả giá cao hơn cho cách hành xử của họ’. Trước hết là Mỹ cần phải ‘làm tấm gương về các giá trị’ để gây sức ép cho giới lãnh đạo Trung Quốc. Thứ hai là lên tiếng rõ ràng và nhất quán với Bắc Kinh ở mọi cấp về mức độ quan ngại của Mỹ mà nếu Trung Quốc không sửa chữa thì ‘quan hệ song phương sẽ không trở lại như cũ’. Thứ ba là có những biện pháp trừng phạt như cấm nhập khẩu hàng hóa sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Ngoài ra Mỹ cần phải thể hiện sự ủng hộ đối với những quan ngại của người dân Trung Quốc.
“Mỹ càng thể hiện hình ảnh thiện chí trong mắt người dân Trung Quốc thì cái giá phải trả đối với các lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lớn nếu họ gây tổn hại cho Mỹ,” ông giải thích.
‘Trung Quốc sẵn sàng đối chọi’
Trong hoàn cảnh hiện nay, Mỹ cũng khó lòng trông chờ Bắc Kinh sẽ xuống nước vì nước này đã sẵn sàng chơi rắn dựa trên những nhận định chủ quan của giới lãnh đạo nước họ về tương quan sức mạnh Mỹ-Trung, cũng theo phân tích của ông Ryan Hass.
Ông nhắc lại trong hơn 40 năm qua, kể từ trước thời ông Tập Cận Bình, công thức giúp Trung Quốc có bước phát triển nhảy vọt là ‘dựa vào mối quan hệ ổn định với Mỹ, giữ vùng ngoại vi hiền hòa và né tránh nhận lãnh gánh nặng trên trường quốc tế’. “Tuy nhiên hiện nay đã đến điểm mà Bắc Kinh cho rằng họ không thể dựa vào mối quan hệ ổn định với Mỹ được nữa,” ông lưu ý.
Từ những gì ông trao đổi với các học giả Trung Quốc và theo dõi truyền thông nước này, ông cho biết Bắc Kinh đang đổ lỗi quan hệ xấu đi cho Mỹ.
“Họ lập luận rằng chính sách của họ là ổn định và nhất quán và Bắc Kinh đã làm sâu sắc quan hệ với các quốc gia trên thế giới chỉ trừ với Mỹ. Mà Mỹ như vậy là vì họ đang bị phân rã và chia rẽ ở trong nước nên cần tìm một kẻ thù bên ngoài làm chất kết dính và là vì khoảng cách giữa sức mạnh Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp lại,” ông giải thích.
Theo lời ông thì các lãnh đạo Trung Quốc nhận định rằng ‘Mỹ đang cảm thấy bất an và lo lắng trước sự vươn lên của Trung Quốc và sự xấu đi trong quan hệ song phương là kết quả của sự thành công của Trung Quốc chứ không phải do cách hành xử của chính họ.’
Do đó, cách tiếp cận của Bắc Kinh là ‘không cần phải làm giảm căng thẳng với Mỹ mà phải củng cố sức mạnh để đối đầu với Mỹ’, ông Hass lưu ý. Đó là lý do Trung Quốc đang thay đổi mô hình kinh tế để tập trung vào nhu cầu nội địa thay vì xuất khẩu sang Mỹ. Ông chỉ ra việc sau hội nghị Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đi đến các nước Trung Đông bất mãn với Mỹ ‘để tranh thủ thêm đồng minh’ trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Đối thủ, không phải kẻ thù
Tuy nhiên, ông Hass cũng lưu ý việc Tổng thống Joe Biden dù nhấn mạnh ‘cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc nhưng ‘vẫn minh định giữa cạnh tranh và đối đầu’. Coi Trung Quốc là đối thủ, Mỹ cần phải cạnh tranh để vượt lên chứ không cần phải triệt hạ như trong trường hợp coi Trung Quốc là kẻ thù.
Giải thích cho việc Mỹ không thể xem Trung Quốc là kẻ thù cần triệt hạ, ông Ryan Hass cho rằng hai nước gắn bó chặt chẽ về mặt kinh tế với giao thương hàng năm đạt hơn 700 tỷ đô la và các công ty Mỹ hoạt động ở thị trường Trung Quốc có doanh thu hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
“Trên các thách thức toàn cầu, rất khó để mà tìm ra con đường tiến về phía trước trừ phi cả Mỹ và Trung đều đi về cùng một hướng, cho dù đó là kinh tế toàn cầu, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, Iran, Triều Tiên, Myanmar…,” ông nhận định và cho rằng ‘hai nước gắn chặt vào nhau’.
Nếu như Mỹ xem Trung Quốc là kẻ thù không thể nào xoa dịu, vị học giả này lập luận, Mỹ sẽ phải tập trung rất nhiều vào việc tìm cách làm hao mòn hay ngăn chặn Trung Quốc và ‘điều này rất đắt giá với Mỹ’.
“Nó sẽ gây hậu quả cho Mỹ. Trung Quốc sẽ đáp trả thích đáng. Nó sẽ gây phân rẽ giữa chúng ta với bạn bè và đồng minh vốn không thoải mái trong cách tiếp cận chỉ thuần là thù địch và đối đầu với Trung Quốc,” ông nói.
Mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh này được ông Ryan Hass gọi là ‘competitive inter-dependence’, tức là quan hệ lệ thuộc vào nhau nhưng cạnh tranh. “Lãnh đạo hai nước đã nhìn nhận rằng sự hợp tác là có thể và ở một số lĩnh vực, cần thiết phải hợp tác với đối thủ,” ông nói.
Ông dẫn chứng tại cuộc gặp ở Alaska, sau những màn đối đầu nảy lửa giữa phái đoàn hai nước trước ống kính truyền hình, hai bên đã có cuộc thảo luận kín kéo dài tám tiếng đồng hồ ‘về mọi vấn đề tác động đến hai nước trên trường quốc tế từ biến đổi khí hậu, Iran cho đến Myanmar và Triều Tiên’.