Đường dẫn truy cập

Lo ngại bạo động gia tăng sau các vụ tấn công người biểu tình ở Bangkok


Người biểu tình chống chính phủ bị thương trong một vụ nổ, 17/1/14
Người biểu tình chống chính phủ bị thương trong một vụ nổ, 17/1/14
Một vụ tấn công dùng chất nổ nhắm vào nguời biểu tình chống chính phủ ở Bangkok đã làm ít nhất 28 người bị thương. Từ Bankok Thông tín viên VOA Ron Corben tường thuật rằng bạo động xảy ra vào lúc giới hữu trách tư pháp đang điều tra việc thủ tướng có liên hệ đến một kế hoạch về gạo gây tranh cãi mà giới chỉ trích cho là nặng phần tham nhũng.

Vụ tấn công vào giữa trưa ngày thứ sáu gây thương tích cho người biểu tình đi tuần hành cùng với thủ lãnh phong trào là Suthep Thaugsuban, và tiếp theo một loạt các vụ đánh bom trong những ngày gần đây nhắm vào đám biểu tình chống chính phủ.

Trước đó trong ngày, những người ‘áo đỏ’ ủng hộ chính phủ đã tấn công một địa điểm biểu tình cách trung tâm thành phố 20 kilomet.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York nói rằng không có đối thoại thì dự kiến sẽ xảy ra thêm các vụ bạo động:

“Có nguy cơ đáng kể bạo động sẽ leo thang nếu không có một hình thức thương nghị nào đó, những cuộc thảo luận giữa hai bên và nếu như hai bên không kiềm chế những người trong hàng ngũ của mình có thể khiêu khích hay gây bạo động.”

Kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu hồi tháng 11, đã có ít nhất 8 người thiệt mạng – trong đó có 2 cảnh sát viên – và hàng chục người bị thương vì hơi cay mắt và xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình.

Kể từ khi các cuộc biểu tình “Ðóng cửa Bangkok” bắt đầu trong tuần này, bạo động lẻ tẻ phần lớn đã xảy ra vào lúc cuối ngày. Vụ việc hôm nay là lần đầu tiên nhắm vào các cuộc tuần hành ban ngày.

Hôm qua, Uỷ ban Chống tham nhũng Quốc gia của Thái Lan NACC đã loan báo khởi sự một cuộc điều tra đầy đủ về vai trò và sự giám sát của bà Yingluck trong một kế hoạch trị giá nhiều tỷ đôla có liên quan đến gạo. Hai cựu bộ trưởng nội các và nhiều giới chức nhà nước cũng bị điều tra. NACC nói nếu bà Yingluck bị phát hiện là bất cẩn thì bà sẽ bị yêu cầu từ bỏ mọi chức vụ chính thức.

Phát ngôn viên NACC, ông Vicha Mahakhun, nói vụ điều tra thủ tướng nhắm vào trách nhiệm của bà trong tư cách đứng đầu một uỷ ban về chính sách gạo. Ông nói:

“Chúng tôi khởi sự cuộc điều tra về vai trò mà Thủ tướng tạm quyền bị cáo buộc dựa trên cơ sở bà là chủ tịch ủy ban chính sách nhà nước về gạo, giám sát kế hoạch về gạo cộng với vai trò của bà trong tư cách đứng đầu chính phủ bà phải chịu trách nhiệm về sự điều hành của mọi bộ trưởng.”

Ông Vicha nói cơ sở chống lại bà Yingluck là sự lơ là đáng trách theo luật hình sự của Thái Lan và cuộc điều tra dự trù sẽ mất từ 2 đến 3 tháng.

Cuộc điều tra nằm trong số nhiều cuộc điều tra có thể dính dáng đến các thành viên trong đảng của thủ tướng. Các cơ quan chính phủ cũng đang điều tra vào các mưu toan trước đây muốn cải tổ hiến pháp và một chương trình dự chi vào cơ sở hạ tầng trị giá 70 tỷ đôla.

Nhưng nhà khoa học chính trị từng làm phát ngôn viên chính phủ, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng các cơ quan độc lập sẽ thận trọng trong việc xử lý các vụ này vì bầu không khí nặng mùi chính trị:

“Các cáo buộc tham những về nhiều dự án là điều cấp thiết để các cơ quan độc lập xử lý một cách thận trọng. Họ nhận ra rằng một mặt các vụ này có cơ sở đủ để truy tố hoặc tiếp tục có liên quan đến các chức vụ cấp cao trong chính phủ hay nội các – họ cần phải rất thận trọng khi điều tra những cáo buộc này bởi vì các cáo trạng rất nghiêm trọng.”

Chính phủ của bà Yingluck đã phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc biểu tình kể từ khi đệ trình một dự luật ân xá rộng rãi hồi năm ngoái được cho là có lợi cho người anh của bà là ông Thaksin Shinawatra, hiện đang sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng. Theo các điều khoản của dự luật, sau đã đã bị Thượng viện bác, lệnh ân xá cũng sẽ bao gồm các thành phần trong chính quyền của bà Yingluck.

Trong cố gắng xoa dịu căng thẳng chính trị, bà Yingluck đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm vào này 2 tháng 2. Nhưng người biểu tình chống chính phủ đang đòi bà từ chức và bổ nhiệm một hội đồng không do dân cử để thực hiện các cải cách.



Thủ tướng vẫn nhất quyết tổ chức bầu cử theo kế hoạch đã định bất chấp sự tẩy chay của đảng Dân chủ đối lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG