Tại một ngôi chợ ở Jakarta giá ớt đã tăng gần gấp đôi so với giá của năm ngoái. Sự gia tăng này làm cho người dân Indonesia lo âu vì ớt là vật liệu hầu như không thể thiếu trong các món ăn của người dân ở đây. Nhưng một số người, như bà Jarwati, cho biết rằng họ đang ra sức thích ứng.
Bà Jarwati nói rằng những người lúc trước mua 1 kí thì bây giờ chỉ mua nửa ký và những người hay mua 250 gram thì bây giờ họ chỉ mua 100 gram.
Giá thực phẩm đang gia tăng tại hầu hết các nước Á châu. Giá dầu lửa, sắt thép, than đá và các nông khoáng sản khác trên thị trường thế giới cũng đang tăng.
Trong khi đó, giá nhà đất ở Trung Quốc tăng vọt. Ông Chu làm chủ một căn chung cư cũ ở Bắc Kinh, nơi mà giá trung bình của mỗi mét vuông lên tới 43,000 nhân dân tệ, tương đương với 6,500 đô la.
Ông Zhu cho biết sự thay đổi lớn nhất là giá cả. Ông nói rằng trước đây giá nhà chỉ có vài ngàn nhân dân tệ mỗi mét vuông, có khi chỉ có vài trăm nhân dân tệ; nhưng bây giờ lên tới hàng vạn.
Những căn chung cư một phòng nơi ông Zhu ở giờ đây được bán với giá hơn 350 ngàn đô la một căn và bán rất chạy.
Một số các nhà kinh tế học e rằng lạm phát có thể làm giảm thiểu sức mua của tầng lớp trung lưu đang lên ở các nước Á châu. Tuy nhiên, nhà phân tích chứng khoán Nicolas Cashmore nói rằng lạm phát tại một số nước Á châu phản ánh sự gia tăng của thu nhập và tăng trưởng kinh tế:
Ông Cashmore nói: "Tôi nghĩ rằng có nhiều nước trên thế giới ngày nay muốn có lạm phát. Lạm phát với mức độ vừa phải là tốt vì nó chứng tỏ mức cầu gia và chứng tỏ nền kinh tế đang lớn mạnh."
Ông Cashmore cho biết tại một số nước ở Á châu, như Indonesia, thu nhập của người dân đã tăng mạnh trong 5 năm qua. Ông nói rằng những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh này có thể đối phó một cách dễ dàng với tỉ lệ lạm phát chừng 5%. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, trong đó có Indonesia, lạm phát giờ đây đã vượt mức 6% mỗi năm.
Ngay cả những nước có tốc độ tăng trưởng cao, như Indonesia, Trung Quốc và Ấn Ðộ, đà leo thang của giá cả cũng làm cho dân chúng cảm thấy khốn đốn. Ông Nagesh Kumar là kinh tế gia trưởng của Ủy ban kinh tế xã hội Á châu Thái bình dương của Liên hiệp quốc. Ông nói rằng ở Á châu có 980 triệu người có mức thu nhập chưa tới 1,25 đô la mỗi ngày và hầu hết thu nhập của họ được dùng để mua thực phẩm.
Ông Kumar cho biết: "Đối với những người này thì lạm phát làm cho họ khổ sở thêm và điều kiện dinh dưỡng của họ sẽ xấu đi. Còn đối với những người đang ở trên mức nghèo túng, thì giá lương thực gia tăng sẽ đẩy họ vào tình trạng nghèo túng. Vì vậy nạn thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng sẽ gia tăng, dẫn tới nhiều vấn đề như sức khỏe chẳng hạn. Vì vậy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia ở Á châu, đặc biệt là những quốc gia vùng Nam Á."
Tại những nước phát triển, như Nam Triều Tiên chẳng hạn, lương thực chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong ngân sách gia đình. Nhưng lạm phát ở các nước này cũng tạo ra những vấn đề khó khăn về kinh tế và chính trị, khiến cho các chính phủ phải ra sức kiềm chế lạm phát. Ông Kumar nói rằng nỗ lực này có thể làm chậm lại đà phục hồi mạnh mẽ của Á châu sau vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Ông Kumar nói: "Trong năm 2010 các nền kinh tế Á châu phục hồi khá tốt sau vụ khủng hoảng. Nhưng bây giờ ngân hàng trung ương của tất cả các nước đều có xu hướng tăng lãi suất để kiểm soát lượng cung ứng tiền tệ. Và quá trình này có phần chắc sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế."
Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Indonesia và các nước khác đã tăng lãi suất để kiềm hãm đà gia tăng của giá cả.
Giá nông khoáng sản và năng lượng gia tăng cũng đồng nghĩa với việc có thêm hãng xưởng sản xuất thêm hàng hóa, giúp cho kinh tế tăng trưởng ở Á châu và trên thế giới. Tuy nhiên, kinh tế gia Kumar cảnh báo rằng những vụ mùa thất bát ở nhiều nơi trên thế giới - cộng với sự sút giảm của lượng đầu tư vào khu vực nông nghiệp ở phần lớn các nước Á châu, sự leo thang của giá lương thực có thể gây khốn đốn cho rất nhiều người và tạo thêm nhiều vấn đề cho các chính phủ.