Mục tiêu trước đây là làm thế nào tăng năng suất của lúa để chống đói, nhưng bây giờ phải suy nghĩ lại để làm thế nào vừa có nhiều gạo, vừa bảo vệ được môi trường.
Đó là phát biểu của bà Jan Leach, nhà nghiên cứu của trường đại học tiểu bang Colorado Hoa Kỳ.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, IRRI, đang tìm cách có loại Siêu Lúa Xanh. “Xanh” ở đây có nghĩa là “thân thiện với môi trường”, cho ta cùng số lượng gạo như cũ hoặc nhiều hơn, nhưng có yêu cầu ít hơn ở đầu vào. “Siêu” ở đây có nghĩa là chống cự được với khô hạn, lũ lụt, nước mặn, côn trùng, và nhiều vấn đề khác.
Jauhar Ali, chuyên viên cao cấp của IRRI cho biết:
“Tất cả những thứ đó nhập chung làm một. Quên một chuyện nữa, có thể chống được bệnh tật. Chưa hết. Hạp với khẩu vị của người địa phương.”
Xem ra đây có vẻ là một chuyện lớn. Bà Anna McClung, chuyên viên của Mỹ nói rằng muốn làm được như vậy đòi hỏi phải cấy nhiều loại gien thích hợp vào một cây lúa:
“Đây là một dự án độc đáo và to lớn. Cần phải bỏ ra một nỗ lực gấp 10 lần, hoặc có thể gấp 100 lần nỗ lực trước đây.”
Dự án này cần đến sự hợp tác của 16 quốc gia. IRRI và Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc từ 12 năm qua đã thử nghiệm hàng trăm giống được lấy từ bộ sưu tập lúa lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học hy vọng thế hệ thứ nhất của giống lúa siêu xanh sẽ được trao cho nông dân của 8 quốc gia thí điểm ở châu Á và 8 quốc gia thí điểm ở châu Phi trong vòng 2 năm nữa.
Gạo nuôi sống khoảng 3 tỉ người, chỉ riêng châu Á. Các giống lúa hiện nay cho năng suất cao gấp ba bốn lần cách đây mấy chục năm, nhưng cần nhiều nước, phân bón và thuốc trừ sâu rầy. Các nhà khoa học đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1