Đường dẫn truy cập

Cần phải nâng đỡ nông dân để bảo đảm an ninh lương thực


Hàng ngàn người xuống đường phản đối trong thủ đô Cairo của Ai Cập đòi truất phế Tổng thống, và thực hiện cải cách
Hàng ngàn người xuống đường phản đối trong thủ đô Cairo của Ai Cập đòi truất phế Tổng thống, và thực hiện cải cách

Giá lương thực tăng là một trong những yếu tố làm cho những người biểu tình phải tràn ra đường phố tại Ai Cập, Tunisia và Algeria trong tháng này, làm gợi nhớ đến những cuộc bạo loạn vì lương thực trong một số quốc gia vào năm 2007 và 2008. Trong khi các chuyên gia nói tình trạng hiện nay chưa đến mức như thế nhưng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách là một số chiến lược có mục đích làm dịu tình hình thị trường lại có thể mang đến nhiều tai hại hơn là đem lại lợi ích.

Chỉ số giao dịch các loại lương thực thông dụng của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, FAO, hiện nay cao hơn so với 3 năm về trước khi giá cả tăng vọt. Cơ quan này đã ban hành một hướng dẫn mới cho những người hoạch định chính sách hiện đang phải vật vã chống chỏi với giá cả tăng cao này.

Ông Garry Smith, cố vấn cao cấp của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nói có nhiều bài học rút ra được từ cuộc khủng hoảng giá cả lương thực trong 2 năm 2007-2008. Ông nói:

“Tôi nghĩ kinh nghiệm tiêu cực nhất của năm 2008 là lệnh cấm xuất khẩu.”

Ấn Độ, Việt Nam và những quốc gia khác đã cấm xuất khẩu gạo sau khi thời tiết xấu làm thiệt hại mùa màng. Tuy nhiên ông Smith nói việc không đưa gạo vào một thị trường thế giới vốn đã khan hiếm gạo lại đẩy giá cả toàn cầu tăng cao thêm nữa. Ông nói:

“Đó là một trong những điều mà chúng ta không khuyến khích tí nào cả. Rõ ràng việc này góp phần làm cho tình hình giá cả hiện nay tăng thêm.”

Ông Smith nói tình hình giá cả hiện tại một phần do việc Nga cấm xuất khẩu lúa mì sau khi vụ hạn hán mùa hè vừa qua làm thiệt hại 1/3 mùa vụ của họ.

Giá cả lương thực tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến 77 quốc gia trông cậy nhiều vào lương thực nhập khẩu, trong đó có 25 nước tại châu Á và 43 quốc gia tại châu Phi.

Một trong những quốc gia này là Ethiopia hiện đang nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng cách ấn định giá tối đa cho những loại lương thực thông dụng. Ông Smith nói biện pháp này ít khi có hiệu quả:

“Thật dễ khi chính phủ nói 'đây là giá tối đa'. Nhưng điều thực sự xảy ra là những sản phẩm này lại được chuyển ra thị trường chợ đen.”

Tại thị trường hợp pháp, những người bán buộc phải bán hàng hóa lỗ vốn và không còn tiền để tiếp tục buôn thêm hàng. Đài VOA loan báo là tại một số nơi ở Ethiopia, những mặt hàng mà giá cả được kiểm soát như dầu ăn và cam đã bị thiếu hụt.

Chính phủ có thể áp dụng biện pháp nhẹ nhàng hơn bằng cách giảm thuế quan để tăng nhập khẩu những hàng hóa thông dụng.

Tuy nhiên biện pháp này cần phải được thực hiện một cách cẩn thận vì chính phủ sẽ mất thu nhập, theo như ý kiến của ông Maximo Torero thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế.

Ông Torero nói: “ Các chính phủ cần phải kiếm tiền từ một nơi nào đó để giữ cho ngân sách cân bằng. Do đó loại chính sách này chỉ có thể được thi hành trong thời gian ngắn nếu họ không muốn gặp phải những khó khăn tài chánh.”

Algeria đã quyết định chấp nhận rủi ro này. Bạo loạn đã xảy ra trước đây trong tháng tại nước này.

Ông Garry Smith thuộc FAO nói tăng cường nhập khẩu sẽ làm giá cả giảm xuống:

“Câu hỏi cần được cân nhắc là dùng biện pháp này như là một biện pháp mạnh đưa vào thị trường hàng hóa với giá được trợ cấp và đẩy toàn thể thị trường xuống hay là sử dụng biện pháp này để hỗ trợ cho những nhóm đang cần giúp đỡ.”

Ông Smith nói những biện pháp nhắm vào các nhóm cần giúp đỡ là cách tốt nhất của chính phủ để chặn đứng khủng hoảng. Trong khi ông phê phán nghiêm khắc việc kiểm soát giá cả của Ethiopia, ông lại ca ngợi chương trình mạng lưới an toàn của nước này. Ông nói:

“Những cộng đồng địa phương đưa ra danh sách những gia đình cần giúp đỡ. Đó là cách để chúng ta có thể đảm bảo một cách chính xác hơn về những nhóm cần được giúp đỡ .”

Thêm vào việc trợ cấp tài chính để những gia đình này có thể dùng mua lương thực tại thị trường địa phương, chương trình này cũng tạo công ăn việc làm những người thất nghiệp bằng những liên quan đến các dự án mang lại nước sạch hay những dự án bảo tồn hay những kế hoạch khác nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp.

Ông Smith nói điều này rất quan trọng bởi vì đầu tư vào nông nghiệp để giúp cho những quốc gia tránh được những vấn đề tương tự trong tương lai.

Ông Smith nói thêm là dù 70% những người cực kỳ nghèo khó trên thế giới sống tại nông thôn, nhưng trong những thời kỳ khủng hoảng, những người này thường bị lãng quên. Ông nói:

“Các chính trị gia sẽ luôn luôn lựa chọn phương cách sai lầm , chỉ nhắm tới việc làm yên lòng những cộng đồng sống trong các thành phố vì họ là những người tự động đứng lên phản đối .”

Phòng ngừa những sự phản đối tự phát này, thường được gọi là bạo loạn, có thể là mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên ông Smith nói vấn đề an ninh lương thực dài hạn của một quốc gia phải trông cậy vào nông dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG