Thế giới đang hồi phục từ cuộc suy thoái được xem như là dài nhất và sâu rộng nhất kể từ những năm 1930. Và những gì phát sinh sau cuộc khủng hoảng tài chánh kỳ này là một thế giới phức tạp hơn và lệ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.
Ông Klaus Schwab, sáng lập viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói tốc độ của thay đổi và những sáng kiến công nghệ diễn ra theo một thực tế mới nhanh chóng và sáng tạo.
Ông nói với Đài VOA là một trong những yếu tố quan trọng của thực tế mới này là sự chuyển đổi quyền lực địa-chính trị và địa-kinh tế từ Bắc sang Nam và từ Tây sang Đông:
“Đây không phải chỉ là những hậu quả chính trị và kinh tế, tôi nghĩ thế giới sẽ trải qua một vài làn sóng chấn động về thích ứng. Tôi đang quan tâm nhìn xem hậu quả cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc. Cuộc gặp này sẽ là chỉ dấu cho thấy chúng ta có thể xây dựng một thế giới hòa hợp nhiều ít như thế nào, dù có sự chuyển đổi quyền lực này. Đó sẽ là một vấn đề chi phối cuộc họp tại Davos sắp tới.”
Sự thay đổi thực sự này được phản ánh trong thành phần danh sách khách mời năm nay tại Davos, Thụy Sĩ.
Hơn một nửa những người đứng đầu chính phủ tham dự đến từ các thị trường mới nổi lên hay là theo như nhận xét của ông Robert Greenhill, giám đốc điều hành của Diễn đàn, thì nhiều thị trường đã nổi lên rồi. Ông Greenhill nói:
“Chúng ta sẽ có nhiều người đến từ các mức phát triển khác nhau. Chúng ta sẽ có Thủ tướng Meles của Ethiopia. Chúng ta sẽ có Tổng thống Zuma của Nam Phi. Chúng ta sẽ có các nhà lãnh đạo của một số các quốc gia tăng trưởng nhanh chóng chính yếu của châu Á. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ có đại diện của BRIC tức là khối 4 nước lớn Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.”
Tổng thống Nga Dmitri Medvedev sẽ là thuyết trình viên chính. Các nhà lãnh đạo khác của khối G 20 tham dự cuộc họp hàng năm gồm có Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Hàng trăm phiên họp về những vấn đề chính trị, doanh thương, khoa học và văn hóa sẽ diễn ra trong 5 ngày. Những cuộc họp có tổ chức này được tiến hành song song với những cuộc đối thoại riêng tư, không chính thức giữa các nhà lãnh đạo thế giới. Những cuộc nói chuyện hành lang này đôi khi đưa đến những sáng kiến quan trọng về thay đổi cuộc chơi.
Trong suốt hội nghị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới có kế hoạch tung ra Hệ thống Đáp ứng với Rủi ro. Đây là một cơ chế giúp công chúng và những nhà lãnh đạo tư nhân nhận ra được những rủi ro một cách có hệ thống để có thể tránh được những rủi ro trước khi chúng biến thành tình trạng khủng hoảng.
Hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự tụ tập tại một ngôi làng miền núi Thụy Sĩ vào tuần tới để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Một trong những chủ đề năm nay là tăng thêm sức mạnh chính trị và kinh tế cho các nước mới nổi lên.