Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư bày tỏ ủng hộ cho chính phủ đoàn kết Libya – kết quả của các cuộc thương thuyết kéo dài nhiều tháng giữa hai chính phủ kình chống nhau ở Tripoli và Tobruk. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng tiến trình thương thuyết cho giải pháp chính trị không bao gồm nhiều thành phần cho nên tân chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vãn hồi an ninh và trật tự cho quốc gia bị chia rẽ sâu sắc này.
Những người ủng hộ cựu lãnh tụ độc tài Moammar Gadhafi, trong đó có những nhân vật lãnh đạo bộ tộc và những nhóm dân quân có nhiều thế lực ở miền đông, chưa bày tỏ sự ủng hộ cho tân chính phủ.
Một số khá đông các nhà lập pháp của hai quốc hội kình chống nhau cũng có thái độ như vậy.
Đại hội Toàn quốc (GNC) thuộc phe Hồi giáo ở Tripoli không chịu từ bỏ quyền hành cho quốc hội được bầu ra hồi tháng 8 năm 2014, mở màn cho cuộc tranh giành quyền hành kéo dài cả năm giữa hai cơ quan lập pháp.
Trong năm qua, các nhóm dân quân của phe Hồi giáo và phe đòi ly khai đã trở nên mạnh hơn và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo cũng nới rộng sự hiện diện tại nhiều nơi ở miền đông. Nhóm này kiểm soát thành phố biển Sirte, quê của ông Gadhafi và mới đây họ đã phổ biến những đoạn video cho thấy lực lượng cảnh sát trong đồng phục màu xanh đi tuần trên đường phố.
Những vụ đụng độ giữa các phe nhóm đã gia tăng nhịp độ và cường độ trong thời gian gần đây.
Ông Karim Mezran, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Đại tây dương ở Washington, nói “hiệp định hoà bình Libya do Liên Hiệp Quốc làm trung gian bị hạn chế bởi những thách thức an ninh, với sự bất định là thoả thuận này có thể tạo ra một trung tâm quyền lực thứ ba tại một nước đã có hai chính phủ đối nghịch. Chính phủ đoàn kết có thể hoạt động từ Tripoli hay không cũng là một vấn đề.
Giáo sư Mezran đã tham dự một số cuộc hội nghị hoà bình Libya. Ông nói với đài VOA rằng cơ hội của chính phủ mới “tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ của các chính phủ Tây phương, và với điều kiện có sự tán thành của Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.”
Giải pháp chính trị
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Đại hội Toàn quốc GNC, trong khi Ai Cập và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập hậu thuẫn cho Hạ viện Libya từng được quốc tế công nhận, đặc biệt là cho ông Khalifa Hafta, một vị tướng dưới thời Gadhafi. Năm ngoái ông Hafta đã thành lập một lực lượng mà ông gọi là Quân đội Quốc gia Libya, qui tụ một số nhóm dân quân và những người từng ủng hộ ông Gadhafi. Ông Hafta tự cho là một nhà lãnh đạo cứng rắn và có khả năng mang lại ổn định. Ai Cập và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập đã thực hiện những vụ không kích để yểm trợ cho các lực lượng của vị tướng này.
Giáo sư Mezran cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ai Cập đã nhận được thông điệp từ Tây phương là họ nên hành xử khéo hơn, nhưng họ có làm như vậy hay không là chuyện chưa ai biết chắc.”
Điều này đã trở nên rõ ràng hơn vào ngày thứ ba vừa qua, khi hai nhân vật lãnh đạo của Hạ viện Libya và Đại hội Toàn quốc GNC – ông Nuri Abu Sahmain và ông Ageela Saleh, yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hoãn lại việc công nhận Chính phủ Hoà hợp Quốc gia, là tân chính phủ đoàn kết do ông Faiez Serraj lãnh đạo. Đa số các thành viên GNC đồng ý với ông Sahmain, là người đã chỉ trích những thành viên quốc hội tán thành thoả thuận thành lập chính phủ đoàn kết.
Những người ủng hộ giải pháp chính trị do Liên Hiệp Quốc điều giải tại Hạ viện Libya nói rằng họ thuộc về phe đa số và họ đang tìm cách cách chức ông Ageela Saleh. Nhưng ông Saleh đã thành công trong việc thuyết phục các lãnh tụ bộ tộc ở miền đông và ở thành phố Misrata chống lại chính phủ đoàn kết.
Theo giải pháp chính trị do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, một hội đồng chủ tịch sẽ lãnh đạo chính phủ đoàn kết với thành viên chính phủ là những người thuộc hai viện lập pháp đối nghịch nhau. Hội đồng chủ tịch sẽ thành lập nội các trong vòng 30 ngày. Hạ viện sẽ là cơ quan lập pháp chính, và Hội đồng Nhà nước mà đa số thành viên là những nhân vật thuộc Đại hội Toàn quốc GNC sẽ là cơ quan nắm giữ vai trò tư vấn.
Cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng.
Các giới chức Tây phương hy vọng là sự chán ngán chiến tranh, sức hấp dẫn của những khoản tiền viện trợ phát triển, cùng với mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo, sẽ góp phần mang lại đà tiến cho tân chính phủ đoàn kết và thuyết phục những người chống đối từ bỏ lập trường hiện nay.