Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói “mọi con mắt trên thế giới đang đổ dồn vào Tunisia” và nước Mỹ muốn đất nước được coi là nơi khai sinh ra Mùa xuân Ả Rập này thành công.
Ngoại trưởng Kerry đưa ra nhận định từ Tunisia, chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du 3 quốc gia tập trung nhiều vào vấn đề ổn định chính trị và an ninh ở Syria.
Trong một buổi xuất hiện chung hôm thứ Sáu với Ngoại trưởng Tunisia Taieb Baccouche, ông Kerry nói Hoa Kỳ đã cung cấp cho Tunisia hơn 700 triệu đôla viện trợ trong năm 2011 và hôm 13/11 cam kết sẽ thực hiện các kế hoạch sơ khởi cung cấp bảo đảm một khoản nợ mới.
Ông Baccouche nói nước láng giềng Libya là một nguồn gây lo ngại bởi vì khủng bố đang ngày càng “thiết lập vững chắc” trong nước. Ông nói Tunisia sẽ hoan nghênh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để giúp bảo vệ biên giới.
Tunisia đã nhận được nhiều sự ca ngợi của Hoa Kỳ về những cải cách dân chủ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập.
Tuy nhiên, nước này đã gánh chịu một cú đánh nặng nề vào khu vực du lịch quan trọng của nền kinh tế sau khi xảy ra hai vụ tấn công gây chết chóc hồi đầu năm nay, trong đó có vụ tấn công trong tháng 6 vào thành phố nghỉ mát Sousse khiến 35 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã nhận là tác giả vụ tấn công.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Vụ tấn công ở Sousse đưa đến hậu quả là một tiến trình tham vấn an ninh tăng cường giữa Tunisia và khối G-7, mà Hoa Kỳ cũng tham gia và nhận thấy rất hữu ích để ưu tiên hóa và tháo gỡ xung đột, và bảo đảm là tất cả chúng ta giúp Tunisia một cách tốt nhất”.
Tại Tunis, ông Kerry sẽ hội kiến Tổng thống Beji Caid Essebi, trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Sách lược thứ nhì giữa Hoa Kỳ và Tunisia và các thành viên của Bộ tứ Đối thoại Quốc gia. Nhóm này đã được trao giải Nobel hòa bình nhờ vai trò trong việc quảng bá dân chủ sau “Mùa xuân Ả Rập”.
Các cường quốc thế giới khởi động vòng đàm phán thứ nhì về Syria
Trong ngày thứ Sáu, ông Kerry sẽ đến Vienna để dự cuộc họp thứ nhì trong mấy tuần vừa qua bàn về việc tìm ra một giải pháp chính trị cho vụ khủng hoảng Syria.
Thứ Bảy, các giới chức của 17 nước, cùng với Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Âu châu, sẽ mở các cuộc đàm phán về vụ khủng hoảng này.
Tại một diễn đàn ở Washington hôm thứ Năm, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói: “Tôi không thể nói chiều nay rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một thỏa thuận toàn diện. Vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Trong một thông cáo vào cuối vòng đàm phán đầu tiên hồi tháng 10, các cường quốc và Liên Hiệp Quốc đã đồng ý về tầm quan trọng của việc đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn xã hội ở Syria.
Nhóm này cũng đồng ý về một tiến trình do LHQ dẫn đầu, bao gồm những cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập ôn hòa, cùng với một cuộc ngưng bắn có thể diễn ra.
Nhưng vẫn còn những bất đồng sâu xa về một số vấn đề, trong đó có tình trạng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bất đồng về các đề nghị của Nga
Nga đã đưa ra nhiều đề nghị cho các cuộc đàm phán sắp tới. Nga đã phổ biến một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria với đề nghị thảo ra một hiến pháp mới trong vòng 18 tháng.
Tuy nhiên, các nhóm đối lập Syria nói kế hoạch này không thể chấp nhận được bởi vì mục tiêu của Nga là giữ Tổng thống Bashar al-Assad lại nắm quyền. Các nhà ngoại giao Tây phương đã nói rằng kế hoạch này sẽ không là điểm chính trong những cuộc đàm phán sắp tới.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói các cường quốc họp tại Vienna cần phải đồng ý với nhau về một danh sách các tổ chức khủng bố ở Syria. Một thỏa thuận sẽ nằm trong một kế hoạch rộng lớn hơn để xác định các nhóm đối lập hợp pháp tại nước này.
Ông Anthony Cordesman, một chuyên gia phân tích quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược nói: “Không có phe đối lập ôn hòa nào có ý nghĩa cả”.
Theo ông, "có những người có phần nào uy tín trong tư cách là các nhân vật quan trọng. Họ không đại diện cho các phe phái nào rõ ràng hay đại đa số người dân Syria".
Tuy nhiên, thành phần của các cuộc đàm phán ở Vienna có thể giúp đem lại tiến bộ trong vấn đề này. Đó là nhận định của ông Perry Cammack, một chuyên gia phân tích Trung Đông tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế.
Ông Cammack nói: “Các cuộc đàm phán Vienna tự chúng là một cái lều rộng lớn, do đó tôi nghĩ ta cần phải vận dụng nguyên tắc đó cho cả phe đối lập, để bao gồm càng nhiều phe nhóm càng tốt”.