Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 1/8 cho biết sẵn sàng theo đuổi một thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới với Nga và kêu gọi Moscow hành động một cách thiện chí trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không có kẻ chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân nào.
Cả hai nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố bằng văn bản trong lúc các nhà ngoại giao tham gia một hội nghị kéo dài một tháng của Liên hiệp quốc để đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hội nghị đáng lý được tổ chức năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.
“Hội nghị này diễn ra vào thời điểm hiểm hoạ hạt nhân chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị. “Nhân loại chỉ cần một sự hiểu lầm, một tính toán sai lạc thì sẽ dẫn đến việc hủy diệt hạt nhân.”
Ông cảnh báo rằng các cuộc khủng hoảng “liên quan đến hạt nhân đang bùng phát”, nhắc tới Trung Đông, Triều Tiên và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong vòng vài ngày sau cuộc xâm lược của Nga hôm 24 tháng 2, ông Putin đã đặt các lực lượng răn đe của đất nước - bao gồm vũ khí hạt nhân - trong tình trạng báo động cao, viện dẫn những gì ông gọi là tuyên bố gây hấn của các lãnh đạo NATO và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow.
Nhưng trong một bức thư gửi những người tham gia đánh giá lại NPT, ông Putin viết: “Không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được gây ra, và chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng không chia rẽ đối với tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.”
Kiểm soát vũ khí theo truyền thống là một lĩnh vực có thể đạt được tiến bộ toàn cầu bất chấp những bất đồng rộng rãi hơn. Hội nghị của Liên hiệp quốc diễn ra 5 tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine và khi căng thẳng Mỹ-Trung bùng lên ở Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.
Tấn công tin tặc?
Năm ngoái, Moscow và Washington đã gia hạn hiệp ước START mới, trong đó giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà họ có thể triển khai và giới hạn phi đạn và máy bay ném bom trên đất liền và tàu ngầm cho đến năm 2026.
“Chính quyền của tôi đã sẵn sàng đàm phán khẩn cấp một khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới để thay thế New START khi nó hết hạn vào năm 2026”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói. “Nhưng đàm phán đòi hỏi một đối tác sẵn sàng hoạt động một cách thiện chí.”
Ông nói: “Nga nên chứng minh rằng họ sẵn sàng nối lại công việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ.”
Khi được hỏi về tuyên bố này, một nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Nga chất vấn về mức độ nghiêm chỉnh của ý định của Washington. “Đây là một tuyên bố nghiêm túc hay một cuộc tấn công tin tặc vào trang mạng của Tòa Bạch Ốc? Nếu ý định là nghiêm chỉnh, chính xác thì họ có ý định thảo luận với ai?”
Ông Biden cũng kêu gọi Trung Quốc “tham gia vào các cuộc đàm phán để giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các động thái quân sự gây mất ổn định.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với hội nghị Liên hiệp quốc rằng Washington cam kết tìm kiếm một gói giảm thiểu rủi ro toàn diện bao gồm các kênh liên lạc an toàn giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc và các nước khác, về các nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược.”
Ông Blinken cũng nói việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn là kết quả tốt nhất cho Hoa Kỳ, Iran và thế giới, đồng thời cáo buộc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi tất cả các quốc gia hạt nhân tự ứng xử “có trách nhiệm”. Ông Kishida đến từ Hiroshima, nơi trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới hứng chịu một vụ đánh bom hạt nhân hôm 6 tháng 8 năm 1945.
Ông phát biểu tại hội nghị: “Thế giới đang lo lắng rằng mối đe dọa về thảm họa sử dụng vũ khí hạt nhân lại xuất hiện.” “Phải nói rằng con đường dẫn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân bỗng trở nên khó khăn hơn.”
Diễn đàn