Một bản tin độc quyền của Reuters cho hay họ được xem một báo cáo do cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm thứ Bảy 9/7 cho biết rằng Iran đã tăng tốc làm giàu uranium với việc sử dụng các máy móc tiên tiến tại nhà máy Fordow nằm dưới lòng đất, với phương pháp được lập ra để có thể dễ dàng thay đổi giữa các mức độ làm giàu.
Các nhà ngoại giao phương Tây từ lâu đã bày tỏ quan ngại về các thiết bị được lắp cho các cụm máy li tâm.
Việc sử dụng các thiết bị cải tiến cũng đồng nghĩa là Iran có thể chuyển đổi nhanh hơn và dễ dàng hơn sang việc làm giàu lên các cấp độ tinh khiết cao hơn.
Tuy Iran buộc phải thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc chuyển đổi như vậy, song nếu họ cố tình không thông báo, Iran có thể né tránh, không bị phát hiện trong một thời gian, vì hiện tại có độ trễ giữa hoạt động làm giàu của Iran và hoạt động xác minh của các thanh sát viên IAEA về những gì được sản xuất ra.
"Vào ngày 7/7/2022, Iran thông báo với IAEA rằng vào cùng ngày, họ đã bắt đầu nạp vào cụm máy li tâm nói trên loại UF6 được làm giàu lên đến mức 5% U-235", báo cáo mật gửi đến các quốc gia thành viên IAEA cho biết.
UF6 là khí uranium hexafluoride được đưa vào máy li tâm để làm giàu.
Trong một báo cáo ngày 20/6 mà Reuters cũng được xem, IAEA nói rằng vài tháng sau khi Iran thông báo về ý định sử dụng cụm máy li tâm, Iran đã bắt đầu nạp UF6 vào, thực hiện “giai đoạn thụ động”, là một quá trình diễn ra trước khi làm giàu.
IAEA đã xác minh vào ngày 6/7 rằng giai đoạn thụ động đã chấm dứt, báo cáo hôm 9/7 cho biết.
"Vào ngày 9/7/2022, IAEA xác minh rằng Iran đã bắt đầu nạp UF6 được làm giàu tới mức 5% U-235 vào cụm 166 máy li tâm IR-6 với các thiết bị cải tiến phục vụ cho mục đích được họ tuyên bố là sản xuất ra UF6 được làm giàu lên đến 20% U-235", vẫn bản báo cáo cho hay.
Iran đã làm giàu lên tới mức 60% ở những nơi khác, cao hơn mức 20% mà họ đã sản xuất trước khi đạt thỏa thuận vào năm 2015 với các cường quốc, theo đó giới hạn mức làm giàu của họ ở mức 3,67%. Tuy nhiên, các mức này vẫn thấp hơn mức xấp xỉ 90% dùng để làm vũ khí.
Động thái này của Iran là bước đi mới nhất trong nhiều hoạt động nhằm vi phạm và vượt ra xa khỏi những hạn chế mà bản thỏa thuận hồi năm 2015 áp đặt lên các hoạt động hạt nhân của Iran. Nó diễn ra khi các cuộc đàm phán để khôi phục bản thỏa thuận đó đang đi vào bế tắc và các cường quốc phương Tây đã cảnh báo sắp hết thời gian để đạt được thỏa thuận.
Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran do thỏa thuận đã bị hủy bỏ.
Một năm sau, Iran bắt đầu trả đũa bằng cách vi phạm các hạn chế nêu trong thỏa thuận.
(Reuters)
Diễn đàn