Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 4/1 lên án vụ tấn công Đại sứ quán Ả rập Xê út ở thủ đô của Iran hôm 2/1, sau khi Ryyadh xử tử một giáo sĩ Shia nổi tiếng. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Một thông cáo của Hội đồng Bảo an yêu cầu Iran tuân hành những nghĩa vụ quốc tế để bảo vệ tài sản ngoại giao và hối thúc tất cả các bên “duy trì đối thoại và thực hiện những biện pháp để giảm thiểu căng thẳng trong khu vực.”
Trong một văn thư trước đó trong ngày 4 tháng 1 gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và các vị chủ tịch của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Ả rập Xê út tại Liên Hiệp Quốc, ông Abdallah al-Mouallimi, cực lực lên án vụ xâm phạm sứ quán tại Tehran và vụ phá hoại lãnh sự quán của Ả rập Xê út tại thành phố Mashad của Iran.
Ông al-Mouallimi nói: “Chúng tôi yêu cầu Hội đồng Bảo an thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm tính chất bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao và sự bảo vệ cho tất cả nhân viên ngoại giao của Ả rập Xê út ở Iran.”
Ông cho biết Ryadh cảm thấy “kinh tởm” trước việc giới hữu trách Iran không ngăn chặn những vụ tấn công. Theo Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự năm 1961, nước chủ nhà phải thực hiện những biện pháp để bảo vệ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự cùng với nhân viên của những cơ sở này.
Đại sứ Iran Gholamali Khoshroo, trong một văn thư gởi cho Tổng thư ký Ban Ki Moon, cho biết khoảng “8.000 người phản kháng” đã thực hiện một cuộc biểu tình ôn hoà, nhưng cuộc biểu tình đã “vượt khỏi tầm kiểm soát”, bất chấp “những nỗ lực rất lớn” của cảnh sát. Ông nói hơn 40 người biểu tình bị bắt và một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm ra những kẻ chủ mưu.
Những người biểu tình tức giận vì vụ hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shia Nimir al-Nimir. Chính phủ Ả rập Xê út loan báo vụ xử tử ông al-Nimir hôm 2/1 vừa qua, cùng với 46 tù nhân khác, vì những cáo trạng liên quan tới khủng bố. Ông al-Nimir là người mạnh mẽ chỉ trích hoàng gia Ả rập Xê út.
Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc gọi vụ chặt đầu ông al-Nimir là “không chính đáng và có tính chất khiêu khích.”
Những tác động trong khu vực
Tổng thư ký Ban Ki Moon đã bày tỏ sự quan tâm đối với sự leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc khu vực. Ông hối thúc đôi bên tránh những hành động có thể làm cho quan hệ song phương và khu vực trở nên tệ hại hơn. Ông nói thêm rằng việc Ả rập Xê út loan báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran là “rất đáng lo ngại.”
Bahrain và Sudan cũng cho biết họ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Trong khi đó, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập quyết định hạ thấp quan hệ với Iran.
Ông Edmund Ghareeb, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Geroge Washington, nói: “Sự leo thang này có phần chắc sẽ có những tác động khu vực ở Syria, Iraq, Yemen và những nước khác.” Ông cảnh báo việc này có thể gây phương hại cho những nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình ở Syria. Liên Hiệp Quốc dự trù tổ chức vòng đàm phán đầu tiên giữa các phe phái ở Syria vào ngày 25 tháng 1.
Giáo sư Ghareeb nói: “Sự leo thang này có phần chắc sẽ gây phức tạp cho những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, Nga và Hoa Kỳ để đưa các phe phái vào bàn hội nghị.”
Ông Matthew Rycroft, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, nói với báo chí rằng: “Chúng tôi lo ngại là nó có thể leo thang và gây đổ vỡ cho cuộc đàm phán Syria. Nó có thể gây đổ vỡ cho cuộc đàm phán Yemen. Nó có thể trở thành một vấn đề lớn hơn rất nhiều.”
Ông Rycroft cho biết ông hy vọng Hội đồng Bảo an có thể ngăn chặn đà leo thang và tìm cách giảm thiểu sự căng thẳng.
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thư ký Ban Ki Moon đã nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Mohamed Javad Zarif hôm 3 tháng 1 và Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel al-Jubeir hôm 4 tháng 1.
Liên Hiệp Quốc cho biết ông Ban Ki Moon nói với ông Zarif rằng ông lên án vụ tấn công sứ quán Ả rập Xê út ở Tehran và hối thúc vị ngoại trưởng Iran thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các cơ sở ngoại giao ở nước này. Ông cũng nhắc lại sự thất vọng sâu sắc đối với vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimir và 46 tù nhân khác.
Án tử hình
Liên Hiệp Quốc cho biết trong cuộc điện đàm với vị ngoại trưởng của Ả rập Xê út, Tổng thư ký Ban Ki Moon “đã tái khẳng định quan điểm của ông về án tử hình và sự thất vọng đối với việc hành quyết giáo sĩ al-Nimir.” Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc trước đây đã vài lần nêu lên vụ án của ông al-Nimir với giới hữu trách Ả rập Xê út.
Ông Ban Ki Moon từng tuyên bố án tử hình “không có chỗ đứng trong thế kỷ 21” và hô hào cho việc ngưng áp dụng hình phạt này trên toàn thế giới.
Trong một thông cáo đưa ra hôm 2/1 về vụ xử tử hàng loạt ở Ả rập Xê út, ông Ban Ki Moon bày tỏ quan tâm là vụ này được thực hiện “sau những vụ xét xử đã gây nên những mối quan tâm nghiêm trọng về bản chất của các cáo trạng và tính chất công bằng của tiến trình xét xử.”
Ả rập Xê út bác bỏ sự chỉ trích đó. Một thông cáo của sứ quán Ả rập Xê út tại Liên Hiệp Quốc nói rằng tất cả những người bị kết tội đã có những phiên xử công khai và công bằng và có quyền kháng cáo. Đại sứ al-Mouallimi nói với báo chí rằng nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã nhận những thông tin sai lạc về những vụ xét xử đó.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Riyadh
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, đã đến Riyadh hôm 4 tháng 1 để gặp gỡ các giới chức Ả rập Xê út. Ông nói đây là “một diễn tiến rất đáng lo ngại” và ông sẽ thẩm định ảnh hưởng của nó đối với tiến trình hoà bình Syria. Ông sẽ đến Tehran trong tuần này.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, cũng sẽ đến Trung Đông vào 6 tháng 1 để tìm cách đạt được một thoả thuận ngưng bắn mới, sau khi Ả rập Xê út tuyên bố chấm dứt cuộc ngưng bắn được loan báo hôm 15 tháng 12. Cả Ả rập Xê út lẫn phiến quân Houthi ở Yemen đều liên tục vi phạm cuộc ngưng bắn này.