Đường dẫn truy cập

Lào tổ chức quốc tang, Tập Cận Bình viếng Nguyễn Phú Trọng


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời hôm 19/7 sau 14 năm làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời hôm 19/7 sau 14 năm làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính phủ Lào cho biết họ sẽ để tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở cấp quốc gia trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh viếng nhà lãnh đạo nước Cộng sản láng giềng của họ, theo tin từ truyền thông trong nước.

Trong lúc này, chính quyền Việt Nam đang cấp tập chuẩn bị cho lễ quốc tang cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người vừa qua đời hôm 19/7, vốn được thông báo sẽ diễn ra vào hai ngày 25 và 26/7.

Trong hai ngày quốc tang này, Chính phủ Lào thông báo nước này sẽ treo cờ rủ và dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí dưới mọi hình thức, theo ông Bouakhong Nammavong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào, được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời cho biết trong một cuộc họp báo tại Vientiane hôm 22/7.

Các đại sứ quán và các cơ quan đại diện ngoại giao Lào ở nước ngoài cũng treo cờ rủ để tang ông Trọng, người mà Chính phủ Lào mô tả là “người bạn gần gũi và thân thiết nhất” và “đã có những đóng góp to lớn và quan trọng cho việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại” giữa hai nước.

Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng yêu cầu các đại sứ quán của họ ở nước ngoài tham gia lễ viếng và ghi sổ tang do Đại sứ quán Việt Nam ở các nước đó tổ chức.

Trong khi đó, Lào sẽ cử đoàn đại diện ở cấp cao nhất do ông Thongloun Sisoulith, Tổng bí thư Chủ tịch nước Lào dẫn đầu, đến Hà Nội viếng tang ông Trọng.

Còn tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Vientiane, các phái đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, và Mặt trận Lào… cũng đã đến viếng ông Trọng, đặt vòng hoa và ghi sổ tang, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.

TTXVN còn cho biết rằng các bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương của Lào được yêu cầu đến viếng ông Trọng tại Đại sứ quán và các lãnh sự quán Việt Nam, trong khi các tỉnh của Lào cũng được yêu cầu gửi điện chia buồn với các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam.

Các phương tiện truyền thông của Lào được chỉ thị phải tuyên truyền về những đóng góp của ông Trọng đối với quan hệ giữa hai nước, theo TTXVN.

Trước đó, hôm 20/7, tức là chỉ 1 ngày sau khi ông Trọng được thông báo đã từ trần, ông Tập Cận Bình, cũng là Tổng bí thư Đảng của Trung Quốc, đã đích thân đến Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh viếng tang ông Trọng.

Hình ảnh do TTXVN đăng tải cho thấy tham gia phái đoàn của ông Tập đi viếng tang còn có ông Thái Kỳ, Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư, Ngoại trưởng Vương Nghị và ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Tập đã viết vào sổ tang như sau: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc,” theo TTXVN.

Ông Tập và ông Trọng đã có 8 lần tiếp xúc với nhau trong các chuyến thăm chính thức lẫn nhau, trong đó có hai lần khi ông Trọng vừa nhậm chức Tổng bí thư và khi ông Tập còn là phó chủ tịch Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/7 cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến Hà Nội để dự tang lễ của ông Trọng, một phần trong chuyến công du châu Á sắp tới của ông. Trước đó hôm 19/7, Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố gửi lời chia buồn “sâu sắc nhất” đến gia đình của ông Trọng, người mà ông Biden đã gặp gỡ và cùng đưa ra tuyên bố nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất vào tháng 9 năm ngoái.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG