Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm nay bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc biểu quyết của Quốc hội tại Iran về thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã đồng ý với một nhóm 6 cường quốc thế giới.
Ông nói quốc hội không nên để bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình này, và ông sẽ không nói với các nhà lập pháp là nên chấp thuận hay bác bỏ thỏa thuận, mà để mặc cho họ tự ý đưa ra quyết định của riêng họ.
Các nhận định được đưa ra vào lúc Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn bị tranh luận về vấn đề này và tiến hành cuộc biểu quyết vào giữa tháng này.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã được nhận được sự khích lệ quan trọng trong tiến trình hôm thứ tư với thông báo của thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski cho biết bà sẽ ủng hộ thỏa thuận, được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung JCPOA. Bà là vị thượng nghị sĩ thứ 34 đưa ra quyết định như vậy, đem lại cho ông Obama khoảng cách biệt cần thiết để duy trì một phủ quyết chống lại mọi nghị quyết phản đối thỏa thuận. Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện nói họ cũng sẽ hội đủ số phiếu để ngăn chặn mọi mưu toan đảo ngược phủ quyết của tổng thống.
Một người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói chính quyền được “khích lệ” bởi con số các thượng nghị sĩ nói rằng họ sẽ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân. Ông Josh Earnest nói, “Khi rủi ro ở mức cao như thế này, mỗi một lá phiếu đều quan trọng.”
Giới chỉ trích lập luận rằng thỏa thuận chưa đủ bảo đảm rằng Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, và sẽ gây nguy cơ cho đồng minh Israel của Hoa Kỳ qua việc cho phép Iran sử dụng tài khoản vừa được khai thông để hậu thuẫn cho các phần tử khủng bố.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói trong một bài phát biểu hôm qua tại Philadelphia rằng thụt lùi trước thỏa thuận sẽ gây ra tình trạng mất ổn định.
Ông Kerry nói: “Không những chúng ta sẽ mất đà mà chúng ta đã xây dựng được trong việc gây sức ép đòi Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của họ, mà chúng ta gần như chắc chắn sẽ đi theo chiều hướng ngược lại.”
Bài phát biểu với một nhóm gồm các tổ chức tôn giáo và sinh viên là nỗ lực mới nhất của ông Kerry nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho thỏa thuận mà ông đã góp phần thương nghị hồi tháng 7.
Ông Kerry nói, “Tôi tin rằng, dựa vào kinh nghiệm cả đời, thỏa thuận hạt nhân Iran là một bước tích cực to lớn.”
Tổ chức Do Thái cân nhắc bài phát biểu của ông Kerry
Nhiều thành viên của Liên đoàn Do Thái trong vùng Philadelphia mở rộng nằm trong số những người dự thính bài phát biểu của ông Kerry. Nhóm này trước đó đã loan báo sự chống đối kế hoạch hạt nhân Iran, vì cho rằng nó có thể “Gia tăng khối lượng rủi ro cho Israel.”
Sau bài phát biểu, Chủ tịch ban quản trị Liên đoàn Naomi Adler nói “liệu nó có làm chúng tôi thay đổi ý kiến trong tư cách một đoàn thể, thực ra là điều tôi không biết được.”
Bà Adler nói ông Kerry đã đưa ra một bài phát biểu “mãnh liệt, nhiệt thành và từ ái.” Nhưng bà nói thêm rằng nhiều thành viên của liên đoàn lo ngại về việc “Iran bảo trợ khủng bố chống lại Israel” và các nước khác ở Trung Đông.
Thăm dò cho thấy người Mỹ chia rẽ về thỏa thuận
Một cuộc thăm dò của trường Đại học Maryland công bố tuần này cho thấy người Mỹ vẫn chia rẽ đáng kể về thỏa thuận hạt nhân.
Cuộc thăm dò do Chương trình Tham vấn Công cộng thực hiện, cho thấy 55 phần trăm người Mỹ được thăm dò ủng hộ việc quốc hội chấp thuận thỏa thuận, “bất kể những quan ngại nghiêm trọng về một số chi tiết trong thỏa thuận.”
Cuộc thăm dò nói 23 phần trăm ủng hộ việc gia tăng chế tài Iran và gần như một con số tương đượng muốn hoặc là nối lại các cuộc thương thuyết để có một thỏa thuận tốt hơn hoặc đe dọa Iran bằng những cuộc tấn công quân sự.
Sự chống đối của phe Cộng hòa tại Quốc Hội vẫn tiếp tục
Nói chung, các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội vẫn gay gắt chống đối thỏa thuận.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một đảng viên Cộng Hòa định ra ứng cử tổng thống nói, “Khi tôi làm tổng thống, tôi sẽ không chỉ đảo ngược thỏa thuận nguy hiểm của Tổng thống Obama với Iran, Chúng ta còn gia tăng chế tài Iran.”
Ngoài ra, sau khi Thượng nghị sĩ Mikulski loan báo ủng hộ thỏa thuận, một phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện John Boehner trong đảng Cộng Hòa đã công bố một thông cáo tuyên bố cuộc đấu tranh chính trị ở Washington chưa hết: “Áp đặt một thỏa thuận xấu, bất chấp sự phản đối của dân chúng Mỹ và một khối đa số tại Quốc hội, không phải là một thắng lợi cho Tổng thống Obama.”
Ông Boehner nói, “Tòa Bạch Ốc có thể thuyết phục đủ số đảng viên Dân chủ ủng hộ một thỏa thuận hợp thức hóa chương trình hạt nhân của Iran, giao phó cho chế độ đó tự kiểm tra và dành đặc ân cho các phần tử khủng bố, nhưng thỏa thuận này còn lâu mới thực thi được.”
Trong khi ông Kerry phát biểu tại Philadelphia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố những bức thư mà ông Kerry đã gửi cho cả hai viện Quốc hội, kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận.
Ngoại trưởng Kerry hô hào Quốc hội ủng hộ
Trong một bức thư gửi cho các đại biểu Quốc hội, ông Kerry nói, “Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại được nhiều người bày tỏ tại Quốc hội có liên quan đến sự ủng hộ liên tục mà Iran dành cho các tổ chức khủng bố và đánh thuê.”
Ông nói, “Chúng tôi không có ảo tưởng rằng cách hành xử sẽ thay đổi sau khi JCPOA được thực thi. Đó chính xác là lý do vì sao chúng tôi đã tập trung vào việc ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân.”
Hồi tháng 7, Iran và 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức, nhóm được gọi là P5+1 đã đồng ý về một kế hoạch đề nghị Iran hạn chế hoạt động tinh chế hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng chế tài.
Cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc là Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế, sẽ thanh tra việc Iran tuân thủ thỏa thuận.