Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận hạt nhân Iran được bảo đảm thông qua


Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski.
Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski.

Thông báo của một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm nay cho biết bà sẽ ủng hộ thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran đem lại một thắng lợi quan trọng cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski, đại diện tiểu bang Maryland, là thành viên thứ 34 tại Thượng viện cam kết biểu quyết ủng hộ thỏa thuận – một con số đủ để bảo đảm ông Obama sẽ thắng trong nỗ lực của chính quyền vận động để thỏa thuận được thông qua tại Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Mikulski nói, “Không có thỏa thuận nào là toàn hảo, nhất là một thỏa thuận thương nghị với chế độ Iran.” Tuy nhiên, bà nói thêm rằng bà đã kết luận là thỏa thuận Iran – chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung – JCOA, là phương án tốt nhất có thể có được để ngăn chặn Tehran sản xuất một quả bom hạt nhân.

Trong lời phát biểu ủng hộ thỏa thuận Iran vào giờ này ở Philadelphia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã đưa ra lập luận mạnh mẽ để quốc hội ủng hộ JCOA.

Đa số các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có thể biểu quyết “không tán thành” thỏa thuận với Iran, nhưng ông Obama đã tuyên bố sẽ bác bỏ một quyết định như vậy bằng cách dùng quyền phủ quyết. Với 34 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện, nay ông có thể tin chắc rằng mọi mưu toan đảo ngược phủ quyết của ông sẽ thất bại.

Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện cho biết có cũng sẽ có đủ số phiếu để duy trì một sự phủ quyết của Tổng thống, nếu xảy ra trường hợp đó. Trong tình huống như vậy, Quốc hội gần như không có con đường nào để ngăn chặn việc thực thi hiệp ước với Iran.

Thỏa thuận ký kết giữa Hoa Kỳ, Iran và 5 cường quốc thế giới khác hồi tháng 7, định ra các hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế đối với Tehran.

Chính quyền Obama đã vận động ráo riết từ nhiều tháng để quy tụ hậu thuẫn cho thỏa thuận, bất kể sự chống đối của gần như toàn bộ các đại biểu thuộc đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Các vị này nói họ cảm thấy không thể tin tưởng vào các nhà lãnh đạo Iran được. Họ cũng nói rằng họ quan ngại về cách thức Iran sẽ sử dụng khoản thu nhập có thêm được nhờ việc bãi bỏ các biện pháp chế tài.

Cả Hạ viện lẫn Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ biểu quyết về thỏa thuận với Iran trước ngày 17 tháng này, tiếp theo 1 tháng nghỉ hè sẽ chấm dứt vào tuần tới. Nếu Hạ viện cứu xét một nghị quyết bất tán đồng tương tự như nghị quyết đã được các vị thượng nghị sĩ thảo luận, thì trưởng khối thiểu số tại Hạ viện, nữ dân biểu Nancy Pelosi, đã cam kết khối của bà sẽ quy tụ đủ số phiếu để ủng hộ mọi cuộc biểu quyết về vấn đề Iran.

Công chúng Mỹ dường như chia rẽ gay gắt theo lằn ranh đảng phái về đề tài một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Một cuộc thăm dò do Chương trình Tham vấn Công chúng của trường Đại học Maryland cho thấy 55 phần trăm người Mỹ ủng hộ thỏa thuận, trong khi 44 phần trăm muốn thấy thỏa thuận bị bác bỏ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết hồi tháng 7 ủng hộ thỏa thuận. Nghị quyết nói các biện pháp chế tài kinh tế của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu nhắm vào Iran sẽ được bãi bỏ một khi Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế quyết định là Iran đã tuân hành cuộc điều tra kéo dài lâu nay về những vấn đề liệu Iran có tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Iran vẫn nhất mực rằng chương trình của họ là hòa bình, và IAEA dự định công bố báo cáo chung quyết vào cuối tháng 12.

Nếu thỏa thuận có hiệu lực, và nếu nhận thấy Iran sau này vi phạm các giới hạn như con số hạn định các máy ly tâm để tinh chế uranium mà Iran sử dụng, hoặc mức độ tinh chế uranium được cho phép, thì thỏa thuận bao gồm một điều khoản gọi theo đó các biện pháp chế tài sẽ được áp đặt trở lại.

VOA Express

XS
SM
MD
LG