Cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc của quân dân Lạng Sơn kéo dài từ năm 1978 đến 1988. Trong suốt 10 năm dài, đỉnh điểm là cuộc đổ bộ và tàn sát năm 1979, dường như thị xã Lạng Sơn chỉ còn lại một đống đổ nát và mộ địa.
Cụ Nông Duy Thăng – cựu chiến binh Lạng Sơn chia sẻ: “Thời gian ấy là biên giới mình xảy ra tranh chấp ở đường ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, vào năm 1978. Họ cứ mang đá dăm sang đổ vào phần đất của mình để lấn. Ban ngày họ đổ thì ban đêm mình cho người cào hết đổ về phía họ. Cuộc chiến cứ dằng dai mãi cho đến ngày 17 tháng 2 năm 1979 thì mới thực sự xâm chiếm mình. Chừng 3, 4 giờ sáng gì đó. Họ đưa quân sang chiếm tất cả các tỉnh Đông Bắc. Lạng Sơn cũng bị chiếm, phải sơ tán...”
Theo lời kể của nhiều cựu chiến binh, chiến tranh Việt-Trung bắt đầu từ giữa năm 1978, khi mà ban ngày Trung Quốc liên tục cho người mang đá dăm đổ sang biên giới Việt Nam để đánh dấu lãnh thổ và ban đêm, dân quân Việt Nam lại xúc đổ đá dăm về vị trí cũ để giữ biên giới. Cuộc giằng co này kéo dài cho đến rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi người dân thức dậy thì đã thấy quân Trung Quốc đứng tập thể dục khắp mọi nơi trong thành phố, trên núi. Cuộc chiến đấu dũng cảm và thiếu lực lượng đã khiến nhiều chiến sĩ Việt Nam ngã xuống. Mỗi tấc đất Lạng Sơn đều thấm máu của quân và dân Việt Nam.
Bà Triệu Phùng Lìm – vợ liệt sĩ ở Lạng Sơn nói với VOA: “Lúc đó tôi làm việc ở cơ quan nhà nước phải theo cơ quan sơ tán. Đến Lũng Cú được hai tháng thì tiếp tục sơ tán xuống đồng bằng. Gần hai năm sau mới trở về Lạng Sơn, lúc đó mọi thứ đổ nát hết rồi. Mình tranh thủ thu thập những thứ còn lại để tiếp tục làm và tái thiết...”
Cầu Kỳ Cùng buộc phải đánh sập để tránh tình trạng quân Trung Quốc tiếp tục tràn vào thị xã Lạng Sơn và đánh xuống các tỉnh khác. Mặc dù không thể đưa quân đổ bộ nhanh chóng sang Việt Nam nhưng một số trung đoàn đã sang được Lạng Sơn tiếp tục đánh thẳng xuống ải Chi Lăng. Đi đến đâu, quân Trung Quốc tàn phá đến đó.
Ông Hiền, một cựu chiến binh chiến đấu chống Trung Quốc từ năm 1984 đến 1988 thuât lại: “Anh lên đây năm 1988, và những năm đó tiếp tục chiến đấu chống Tàu. Trưa đến thì họ câu pháo sang Việt Nam, cứ đúng 12h trưa thì mình bị câu pháo. Mãi đến năm 1988 mới thực sự chấm dứt chiến tranh Việt – Trung.”
Cuộc sống hôm nay thấm máu và nước mắt ngày hôm qua. Có những cuộc đời và tuổi xuân mãi mãi nằm xuống trong tháng 2 năm 1979. Người ở lại vẫn phải sống, tiếp tục xây dựng, khắc phục đổ nát.
Một cựu chiến binh Việt Nam bán hàng chè xanh ở Lạng Sơn bùi ngùi: “Mình may mắn sống sót, được ngồi đây bán một cốc nước chè, được để yên thân, không bị công an, an ninh trật tự đến quấy nhiễu, không bị xin đểu là may mắn hơn rất nhiều người đã nằm xuống vĩnh viễn. May là họ còn để yên cho mình bán bát nước chè chứ họ mà quấy nhiễu nữa mới là nhục!”
Những thước phim ngắn ngủi này như một nén tâm nhang dâng lên những vị anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam!