Sử gia Dương Trung Quốc, cũng là một đại biểu quốc hội Việt Nam, thừa nhận gần đây có sự gia tăng thông tin về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 trên các phương tiện thông tin chính thống của Việt Nam. Nhưng theo ông, mức độ đề cập vẫn “chưa tương xứng” với lịch sử vì những yếu tố phức tạp trong mối quan hệ Việt – Trung, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến 1979, hầu hết các cơ quan báo chí chính thống Việt Nam hôm 16/2 đều đăng một nội dung khá chi tiết về diễn tiến cuộc chiến mà từ trước tới nay chỉ được nói đến trong khoảng 10 dòng chữ trong sách giáo khoa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng sự kiện truyền thông bắt đầu đề cập ngày càng nhiều về cuộc chiến biên giới phía Bắc là do nhu cầu xã hội đòi hỏi phải có sự công bằng và trung thực với lịch sử.
Ông nói:
“Đúng là có một thời gian phải chăng là vì mối quan hệ giữa hai nước, nhất là hai đảng, có sự cam kết với nhau là tránh nêu những vấn đề đó lên, nên mức độ thể hiện rõ ràng là không tương xứng với sự thật lịch sử. Giờ đây, tôi nghĩ là có thể có nhiều người nêu lên hơn cái nhu cầu, nhất là độ lùi thời gian nó đòi hỏi phải làm cho không những là công bằng, mà còn phải làm cho nó trung thực với lịch sử hơn”.
Trong khi đó, tác giả của rất nhiều bài viết nghiêm cứu về cuộc chiến tranh Việt – Trung năm 1979, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại đại học Maine, Hoa Kỳ, nhận xét về động thái “mở cửa” thông tin về cuộc chiến biên giới:
“Có rất nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến 1979. Thành ra họ rất bất mãn vì Trung Quốc đã phá hoại 6 tỉnh miền Bắc và giết rất nhiều người dân Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ chính phủ cũng phải mở ra một chút cho dân chúng khỏi phẫn uất quá, đặc biệt là hiện nay Trung Quốc đang có rất nhiều ảnh hưởng và đã gây nhiều xáo trộn ở Việt Nam trong mọi lãnh vực”.
Tuy thừa nhận gần đây Việt Nam có sự gia tăng đề cập trên truyền thông hay nỗ lực tìm kiếm các di tích, nhưng sử gia Dương Trung Quốc vẫn cho rằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vẫn chưa được nói đến một cách tương xứng với thực tế lịch sử.
Ông phân tích:
“Dẫu sao đi nữa, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng có yếu tố tương đối đặc biệt, là hai quốc gia dính liền nhau, hai quốc gia đã từng cùng một [hệ thống] chính trị, kể cả đến ngay bây giờ, bên cạnh quan hệ nhà nước còn quan hệ đảng. Chính vì thế phải ứng xử như thế nào thì đây là một vấn đề thực tiễn đặt ra. Còn ứng xử đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, là điều quan trọng nhất, hay chưa thì tôi cho đó vẫn là một câu hỏi, để mà tìm ra một tiếng nói chung, một cách ứng xử chung để vừa bảo đảm được là trung thực với lịch sử, vừa bảo đảm là không tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc duy trì mối quan hệ tích cực này”.
Về phía người dân, gần đây, một số cá nhân và tổ chức xã hội dân đã tự tổ chức các hoạt động tưởng niệm công khai. Trong khi một số khác có ý kiến phải đưa cuộc chiến biên giới 1979 vào sách giáo khoa một cách đầy đủ, trung thực với lịch sử. Sử gia Dương Trung Quốc cho rằng việc này không dễ thực hiện ngay tức thời mà đòi hỏi một quy trình, trong đó không chỉ cuộc chiến biên giới phía Bắc mà cả những vấn đề lịch sử khác như hải đảo, cũng phải được nêu lên một cách tương xứng hơn.
Ông nói thêm:
“Lẽ ra là chính các nhà sử học Trung Quốc và Việt Nam phải ngồi với nhau nếu thực sự muốn nghiêm túc rút ra những bài học để tránh đổ máu, tránh gây lại những chuyện cũ. Nó cũng giống như câu chuyện Việt Nam với Mỹ, Việt Nam với Pháp… Thế nhưng rất tiếc là điều đó chưa thực hiện được. Tôi cho rằng ở đây chính là vấn đề cần đặt nó ra để nghiên cứu một cách hết sức khách quan và trung thực. Thế nhưng mà điều đó phải nói là không đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay, kể cả trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Báo chí trong nước đưa tin Bắc Kinh đã “huy động cả hải quân và không quân”, với 60 vạn quân và hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng ngàn khẩu pháo mở đầu cuộc tấn công. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên. Trong cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân.