Lời cảnh báo hơn 2 năm trước…
Ngày 9/4/2014, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã đăng bài “Trục đường cửa ngõ chiến lược Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?”. Trong bài viết, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ trục đường Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc thông qua việc Việt Nam vay vốn của họ để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường này.
Ngày 23/5/2015, VOA lại đăng bài “Vì sao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ?”. Bài viết nêu lên một thực tế là để đề phòng Việt Nam tấn công qua biên giới, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ngưng một dự án làm đường của chính quyền một thành phố nằm gần biên giới Trung - Việt.
Trong khi đó, phía Việt Nam lại gần như mở toang cửa ngõ biên giới với Trung Quốc bởi tất cả các hướng tiến quân chính của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu đều đã hoặc sắp có đường cao tốc nối từ biên giới Việt - Trung về Hà Nội. Trước khi chiến sự nổ ra, các tuyến đường cao tốc này đã và đang góp phần đắc lực giúp Trung Quốc thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam về mặt kinh tế.
…và thực tế hiện tại
Hơn hai năm sau lời cảnh báo nói trên, công chúng Việt Nam đang xôn xao và tỏ thái độ rất bất bình trước tin Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất vay vốn Trung Quốc để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Dự án xây dựng đường cao tốc này gồm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nền đường 4 làn xe, mặt đường 2 làn xe, tổng chiều dài 96km, tốc độ thiết kế 80-100km/h; nhà tài trợ là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, với vốn vay dự kiến 304,9 triệu USD trên tổng số 382 triệu USD tổng mức đầu tư.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Dân Trí ngày 28/7 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án trên.
Trước băn khoăn của phóng viên khi nêu những hậu quả nhãn tiền của việc Việt Nam vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, PTT kiêm Ngoại trưởng của Việt Nam đã thản nhiên phát biểu: “Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ... Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều” (!!!).
Quy trình bán nước?
Trong bài “Bàn tay ‘lông lá’ của Bắc Kinh đã nắm được PTT Phạm Bình Minh trong vụ đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn?”, nhà văn Phạm Viết Đào – người từng lập một blog chuyên đăng các tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc từ 1979-1990 rồi bị bắt ngay trước ngày Chủ tịch VN Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2013 – đã viết:
“Qua cách trả lời của PTT Phạm Bình Minh, chúng ta thấy ông tách các khoản ODA của Trung Quốc ra thành 2 công đoạn: công đoạn vay tiền và công đoạn triển khai dự án bằng tiền vay. Theo cách biện giải của PTT Phạm Bình Minh thì các hệ lụy phần lớn thường xảy ra từ các dự án có nguồn vốn ODA từ Trung Quốc ở công đoạn 2: ‘…do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ... Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả…’
Với cách ngụy biện này, PTT Phạm Bình Mình muốn chỉ ra: hệ lụy là do khâu ‘triển khai’ dự án chứ không do khâu ‘đi vay tiền’. Với cách lập luận này, ông đã bật đèn xanh cho Bộ GTVT có thể vay ODA từ Trung Quốc…”
Nhà văn Phạm Viết Đào còn vạch trần động cơ đằng sau thái độ hữu hảo, tốt bụng của Trung Quốc khi cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối vùng kinh tế Quảng Châu - Quảng Đông phát triển của Trung Quốc với khu vực cảng biển miền bắc Việt Nam, qua đó tạo thuận lợi cho sự lưu thông hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước, cũng như thông qua cửa ngõ Việt Nam để thâm nhập các thị trường khác. Nguy hiểm hơn, vùng Vân Đồn - Quảng Ninh vốn là địa bàn sinh sống của hàng vạn người Hoa trước đây, họ đã quay về Trung Quốc sau chiến dịch nạn kiều 1978-1979; việc Trung Quốc cấp vốn để xây tuyến đường cao tốc sẽ tạo điều kiện cho người Hoa quay lại địa bàn này sinh cơ lập nghiệp vì họ còn nhiều quan hệ tại đây.
Ông viết tiếp: “Khi Việt Nam vay được khoản tiền 7000 tỷ này của Trung Quốc rồi, các nhà thầu Trung Quốc sẽ vào thi công, Đảng CS Trung Quốc lại chỉ đạo các nhà thầu này giở ra bao chiêu trò, gây ra biết bao hệ lụy cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam, cho môi trường sinh thái, gây ra các vấn nạn xã hội và cho cả bản thân nền kinh tế…”
Vụ việc mới nhất liên quan đến bàn tay lông lá của Bắc Kinh này lại càng đặc biệt đáng lo ngại bởi thời gian qua, chúng tôi đã vạch trần việc Trung Quốc bày ra rất nhiều mưu kế hết sức tinh vi và quỷ quyệt nhằm mục đích chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam, trong khi các quan chức dính líu đến thảm hoạ Formosa ở Miền Trung thì đang ra sức biện bạch rằng họ đã làm “đúng quy trình”.
Xem ra, mối bận tậm của các vị “đầy tớ nhân dân” ở Việt Nam không phải là những hệ luỵ sâu rộng về chính trị - kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng từ các quyết sách của họ, mà chỉ là việc liệu những quyết sách đó có diễn ra “đúng quy trình” hay không thôi.
Những “quy trình” dẫn đến hàng loạt hiểm hoạ “made in China” như Formosa Hà Tĩnh hay dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn kia là gì nếu không phải là quy trình bán nước?
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.