Khoảng 900 cư dân đảo Yeonpyeong đang sống tại các chung cư do chính phủ cung cấp thuộc thành phố Gimpo, vùng tây bắc Seoul và nhận được tiền trợ cấp hàng tháng.
Những người này rời bỏ nhà cửa vào tháng 11 năm ngoái sau khi Bắc Triều Tiên pháo kích Yeonpyeong và đảo lân cận Seo-Yeonpyeong.
Bà Han Bok-yeo, 61 tuổi là một trong số những người này. Bà có một nhà hàng hải sản trên đảo Seo-Yeonpyeong.
Bà nói hoàn toàn hỗn loạn khi cuộc tấn công xảy ra vào ngày 23 tháng 11 năm ngoái.
Bà nói bà hoảng hốt. Lúc đầu bà không nhận ra đó là một cuộc tấn công , bà chỉ nghĩ là cuộc tập trận bình thường của quân đội. Tuy nhiên khi bà nhận ra đó là cuộc pháo kích của Bắc Triều Tiên, bà và một số người hàng xóm chạy lên vùng núi của đảo.
Bà Han và những người hàng xóm sau đó lên một chiếc tàu đánh cá đi đến một cảng gần nhất trên lục địa, đó là cảng Incheon. Kể từ đó bà chưa trở về nhà lần nào.
Bắc Triều Tiên nói họ bắn một loạt đạn pháo binh để trả đũa việc quân đội Nam Triều Tiên tập trận bắn đạn thật xuống biển.
Nam Triều Tiên phủ nhận bắn về phía Bắc Triều Tiên và nói cuộc tập trận có tính cách thường xuyên và đã thông báo trước một cách rộng rãi.
Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên lên đến cao độ vào năm ngoái sau khi một chiến hạm Nam Triều Tiên nổ tung và chìm, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Một toán điều tra quốc tế nói đây là kết quả của một thủy lôi Bắc Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận việc này.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ thực hiện những cuộc tập trận gồm cả thao diễn hải quân hỗn hợp gần vùng biển Bình Nhưỡng cho là thuộc lãnh thổ của họ.
Sau vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong, có nhiều lo ngại là tình hình sẽ leo thang nhanh chóng. Quân đội Nam Triều Tiên và Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao.
Bình Nhưỡng đưa ra lời đe dọa là sẽ tấn công nữa nếu Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ thực hiện các cuộc diễn tập hải quân.
Tuy nhiên, một cuộc đụng độ thứ hai không xảy ra và kể từ đầu năm nay, Bắc Triều Tiên đưa ra chỉ dấu là sẵn sàng đàm phán với chính phủ Seoul.
Seoul đã đề nghị một cuộc họp sơ khởi vào ngày 11 tháng 2 tới để thảo luận việc dàn xếp cho những cuộc thương thảo quân sự cấp cao.
Một số nhà phân tách an ninh nói cuộc tấn công của Bình Nhưỡng chỉ là một phương cách để chính phủ hiện đang thiếu tiền này tìm sự trợ giúp của miền Nam.
Tuy nhiên cư dân đảo Yeonpyeong hy vọng những cuộc thương thảo trong tương lai.
Ông Lee Seong-bon, một ngư dân 51 tuổi cư ngụ trên đảo Seo-Yeonpyeong, là một thành viên của một ủy ban các cư dân được thành lập sau khi di tản. Ông nói việc tái tục các cuộc thương thảo sẽ làm giảm bớt mối lo ngại của nhiều cư dân trên đảo về việc trở về nhà.
Ông Lee nói ông có cảm giác tích cực về những cuộc thương thảo quân sự . Ông nói thêm ông hy vọng là cư dân trên đảo có thể được đảm bảo là Bắc Triều Tiên sẽ không tấn công thêm nữa và chắc chắn khi trở về nhà họ sẽ được an toàn.
Tuy nhiên ông Lee nói, cư dân trên đảo Yeonpyeong muốn cả hai chính phủ Bắc và Nam Triều Tiên đưa ra lời hứa mới đối với những cư dân di tản.
Ông Lee nói ông muốn có lời xin lỗi của Bắc Triều Tiên về cuộc tấn công này nhưng ông cũng muốn có sự đảm bảo mạnh mẽ của chính phủ Nam Triều Tiên là sẽ bảo vệ cư dân trên đảo tốt hơn.
Bà Han Bok Yeo, cư dân đảo Seo-Yeonpyeong không quan tâm lắm về việc Bắc Triều Tiên xin lỗi về cuộc tấn công này.
Bà Han nói bà không biết nhiều về những cuộc thương thảo, nhưng bà hy vọng bà có thể trở lại đảo sớm dù đó là kết quả của cuộc thảo luận hay không.
Tuy nhiên bà Han và những cư dân khác không phải chờ đợi lâu để trở về, dù rằng họ chưa sẵn sàng. Trợ cấp về nhà ở và tài chánh của chính phủ Nam Triều Tiên chấm dứt vào ngày 18 tháng Hai tới đây.
Cách đây 2 tháng Bắc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên, làm 4 người thiệt mạng. Hầu hết cư dân trên đảo này và những đảo nhỏ lân cận chưa trở về nhà vì sợ một cuộc tấn công khác. Tuy nhiên cư dân trên đảo hy vọng những cuộc thảo luận giữa Seoul và Bình Nhưỡng sẽ làm cho việc trở về của họ được dễ dàng hơn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1