Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho hay hiến chương của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên mà VOA có được, dường như định ra khung sườn để lãnh tụ Kim Jong Il được kế nhiệm bởi người con trai là Kim Jong Un.
Bản hiến chương được tu chính đề ngày 28 tháng 9 năm ngoái, là lúc mà các đại biểu đảng họp tại Bình Nhưỡng. Ngày hôm sau, cơ quan tin tức do nhà nước quản lý đã loan báo hiến chương đã được tu chính để tăng cường ban lãnh đạo đảng và cải thiện vai trò của đảng trong quân đội.
Nhưng các chi tiết chưa được tiết lộ, và bản hiến chương mới cũng chưa được công bố.
Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, kể cả một số trong cộng đồng tình báo, đã nhìn thấy một bản sao của hiến chương được tu chính, nói rằng họ không có lý do để nghi ngờ về tính xác thực của nó.
Các giới chức chính phủ và các chuyên gia khảo cứu tại Seoul nói rằng một trong những thay đổi trong hiến chương cho phép người lãnh đạo đảng cũng là người điều hành Quân Ủy Trung ương, bảo đảm là một người có khả năng kiểm soát toàn bộ các vấn đề quốc sự và quân sự. Ông Kim Jong Un, trạc gần 30 tuổi, là đồng chủ tịch của ủy ban này cùng với Tổng tham mưu trưởng quân đội 68 tuổi, phó nguyên soái Ri Yong Ho.
Ông Cheong Seong-chang là một nhà khảo cứu kỳ cựu tại Viện Sejong, chuyên nghiên cứu về chính sách quốc phòng và ngoại giao của Nam Triều Tiên. Ông nói sự thay đổi này có nghĩa là ông Kim Jong Un sẽ có toàn quyền kiểm soát quân đội và đất nước nếu thân phụ ông qua đời một cách bất ngờ.
Ông Cheong nhắc lại chuyên cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nói rằng quyền lực chính trị nẩy sinh từ nòng súng. Cũng thế trong hệ thống xã hội Bắc Triều Tiên, kiểm soát quân đội mang tính quyết định. Theo ông Cheong, việc tu chính hiến chương đảng thực ra là một quyết định chính trị đã được thực hiện dành cho ông Kim Jong Un quyền cai quản quân đội.
Bắc Triều Tiên theo một chính sách gọi là “quân đội vi tiên”, dành cho quân lực một vai trò bao trùm trong xã hội, và có nghĩa là bất kỳ ai kiểm soát quân đội là có thể kiểm soát đất nước.
Bình Nhưỡng duy trì một trong các quân đội hiện dịch lớn nhất trên thế giới, với hơn 1 triệu người mang quân phục. Bình Nhưỡng còn đang khai triển vũ khí hạt nhân, bất kể những cam kết trước đây là không làm như thế.
Một cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên về Bắc Triều Tiên, giáo sư Balbina Hwang tại trường Đại học Quốc phòng quốc gia ở Washington, nói rằng có thể suy ra một điều khác nữa từ việc tu chính hiến chương.
Giáo sư Hwang cho biết: “Đây là một chính phủ có các cơ chế và luật lệ, mặc dù được cai trị bởi một quyền lực tối cao. Nhưng thực ra vẫn có cái gọi là chính trị nội bộ bên trong một xã hội. Nó không to lớn. Có các nhóm quyền lợi khác nhau. Và ngay cả cái vỏ bề ngoài của các luật lệ và quy định thực ra cũng có ý nghĩa.”
Người con trai út của ông Kim Jong-Il, một nhân vật gần như không ai biết đến ở Bắc Triều Tiên cho đến năm ngoái, bỗng nhiên nổi lên và được chú ý khi ông ta được bổ nhiệm làm một vị tướng 4 sao. Kể từ khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước thường trưng bày hình ảnh ông Kim Jong Un tại các buổi lễ quan trọng cùng với thân phụ.
Đa số người Bắc Triều Tiên vẫn chưa biết về những thay đổi trong hiến chương của đảng. Các cơ quan truyền thông nhà nước được theo dõi ở bên ngoài chưa tường thuật các chi tiết và cũng chưa công bố bản hiến chương mới.
Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên nói rằng một dấu hiệu khác là ông Kim cha đang xúc tiến một cách thận trọng bởi vì sự nghi kỵ cả trong nước lẫn ở nước ngoài, đối với việc chuyển giao quyền lực qua một thế hệ thứ ba trong gia đình. Ông Kim Jong Il kế nhiệm thân phụ là ông Kim Il Sung, lãnh tụ đầu tiên của Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên là một trong các nước nghèo nhất thế giới. Trên nguyên tắc, Bắc Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh với nước Nam Triều Tiên phồn thịnh, kể từ khi một lệnh ngừng bắc chấm dứt giao tranh trong cuộc nội chiến giữa 2 miền.
Bắc Triều Tiên đã tu chính hiến chương của chính đảng duy nhất, dường như để bảo đảm một sự chuyển quyền êm thắm từ cha sang con tại quốc gia cộng sản khép kín này. Thông tín viên VOA Steve Herman đã có được một bản sao của văn kiện, chưa được công bố bên trong hay bên ngoài Bắc Triều Tiên. Chi tiết được ghi nhận trong bài tường thuật của Thông tín viên VOA Steve Herman gửi về từ thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên.