Cuộc Cánh mạng mùa Xuân ở Bắc Phi đang lan rộng. Đặc điểm của cuộc cách mạng này là chống độc tài, độc đảng, chống bất công, tham nhũng, đòi tự do theo hướng dân chủ hóa. Lực lượng nổi dậy gồm có nhân dân lao động, tầng lớp trung lưu các thành phố, với học sinh, sinh viên, trí thức làm nòng cốt. Mũi nhọn đấu tranh chĩa vào nền độc tài phe nhóm mang tính gia đình trị tham quyền và tham nhũng, trung lập hóa quân đội, phân hóa lực lượng công an và cảnh sát, tranh thủ viên chức công an và cảnh sát cấp thấp ngả về phía nhân dân. Vũ khí lợi hại không phải là súng đạn mà là các phương tiện thông tin hiện đại, điện thoại cầm tay, máy tính xách tay, loa chạy pin, biểu ngữ, truyền đơn, khẩu hiệu tùy nơi, tùy lúc.…
Cuộc đấu tranh của nhân dân một số nước tại các châu lục khác vì tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân, chống độc đoán kiểu phe nhóm cánh hẩu, tham nhũng, có nhiều nét tương đồng với nhân dân Bắc Phi hiện nay. Đối với nhân dân các nước này, việc theo dõi, nghiên cứu, học tập và vận dụng những kinh nghiệm nóng hổi của cuộc Cách mạnh mùa Xuân ở Bắc Phi là chuyện rất nên làm, nhằm tạo thêm những thuận lợi cho cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội và phát triển bền vững cho chính mình.
Vừa rồi, tôi được may mắn gặp hai bạn nhà báo Pháp của báo L’Express và La Libération mới ở Tunisie và Ai Cập trở về Paris. Qua buổi trao đổi hơn 3 tiếng rưỡi, tôi tiếp thu được nhiều kinh nghiệm thực tế rất quý.
Theo hai nhà báo này, các bạn trẻ Tunisie cho rằng về mặt đấu tranh cho nhân quyền, các tổ chức quốc tế như Human Rights Watch là rất quan trọng, nhưng mỗi nước nên có vài tổ chức quan sát chặt chẽ về thực hiện nhân quyền cũng như về nạn tham nhũng, lạm dụng quyền hành ở nước mình, coi đó là trung tâm thu nhận tin tức và tố cáo về vi phạm nhân quyền, về tham nhũng, về bất công xã hội để thông báo thường xuyên cho nhân dân biết rõ. Những tổ chức ấy do một số nhóm trí thức, thanh niên tự nguyện quản lý để phục vụ xã hội. Ở Tunisie họ là các nhóm sinh viên, luật sư, nhà báo tự do. Họ dùng các mạng «Net», có tên gọi, có địa chỉ trên mạng để làm việc, tố cáo,rồi đưa ra khẩu hiệu, hoạch định, điều hành các cuộc xuống đường….
Tùy điều kiện thực tế của mỗi nước, những kinh nghiệm trên có thể được áp dụng linh động cho thích hợp. Ví dụ, có thể hình thành 3 tổ chức tạm gọi là Trạm quan sát và tố cáo tham quan ô lại, Trạm quan sát và tố cáo công an hại dân, Trạm quan sát và tố cáo các thẩm phán đen, để tiếp nhận, ghi thành hồ sơ những viên chức tham nhũng, ăn hối lộ, cướp đất, cướp của của dân, những sỹ quan công an, cảnh sát và công an viên, cảnh sát viên nhũng lạm, hà hiếp, đánh đập, giết dân, và những quan tòa, thẩm phán bất lương, chà đạp luật pháp, cố tình xử án không theo luật mà theo lệnh cấp trên, gây oan trái cho người lương thiện, ngay thẳng.
Khi các trạm quan sát như thế được hình thành và đi vào hoạt động, chúng sẽ có tác dụng răn đe có hiệu quả những kẻ cầm quyền thiếu liêm khiết; sẽ ngăn chặn những hành độmg kiêu binh lộng hành trong ngành công an, cảnh sát; sẽ khuyến khích các thẩm phán nêu cao tinh thần chí công vô tư trong việc xử án để trừng phạt đúng người, đúng tội. Đồng thời, các vụ án làm chấn động xã hội, gây phẫn nộ cho những người có lương tri, yêu chuộng công lý và tôn trọng pháp luật sẽ không thể bị ỉm đi một cách phũ phàng, không thể bị che dấu và thui chột với thời gian.
Kinh nghiệm của các bạn Tunisie cũng cho thấy rằng để xây dựng và phát huy một chế độ pháp quyền thật sự, người ta còn cần sử dụng các phương tiện hiện đại, qua bộ nhớ của máy điện toán, đang có phổ biến ở khắp nơi, nhất là ở các đô thị, để làm những việc mà những người cầm quyền độc đoán, tàn bạo lo sợ nhất, đó là đưa ra ánh sáng những hành động tham ô nhũng lạm của họ cho toàn xã hội thấy rõ.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.