Một tin chấn động dư luận: ngày 14 tháng 4 mới đây Tòa án quận Harris của bang Texas, Hoa Kỳ, đã mở phiên công khai xét xử vụ án «Hai công ty tư nhân Mỹ và 2 công ty quốc doanh Việt Nam cùng nhau buôn người lao động Việt Nam trái phép sang Hoa Kỳ».
Báo chí Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Ý đều đưa tin mới lạ này, với những bình luận nghiêm khắc về tệ buôn người đang bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ.
Tất nhiên báo lề phải trong nước phải ngậm tăm, vì nếu đăng tỷ mỷ về vụ án này thì bình luận ra sao, nói rõ chuyện thì còn gì là danh dự quốc gia, còn gì là thể diện của đảng Cộng sản độc quyền cai trị, còn gì là bộ mặt của CNXH mà Đại Hội XI vừa qua còn ba hoa lấy được về tính ưu việt.
Các báo quốc tế cho rằng tuy tại phiên tòa ở Texas các công ty Việt Nam vắng mặt, nhưng từ đơn kiện của tập thể lao động Việt Nam, từ bản cáo trạng cho đến lời biện hộ của luật sư, và nhất là bản luận tội và kết án của phiên tòa đã rất nhiều lần nêu bật tội lỗi của các công ty Việt Nam; các công ty quốc doanh này thực sự đứng trước vành móng ngựa của phiên tòa.
Hai công ty Mỹ bị truy tố là công ty Coast to Coast và công ty FLP chuyên xây dựng ngành công nghiệp, đều ở bang Louisiana, đã hợp tác chung vốn với 2 công ty quốc doanh Việt Nam mang tên công ty Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Interserco và công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam Vinamotors có trụ sở ở Hà Nội, để tuyển mộ và đưa một số thợ hàn, thợ cơ khí sang Hoa Kỳ lao động.
Trong vận động và ký giao kèo tuyển mộ, phía các công ty trên đây hứa hẹn rằng lao động sang làm việc tại Hoa Kỳ sẽ hưởng lương cao, phúc lợi đầy đủ, mọi quyền lợi xã hội bảo đảm, đời sống dễ chịu, mỗi năm có thể nhận đến 35 ngàn đôla tiền lương, thừa sức để trả tốn phí ban đầu, còn thừa để nuôi gia đình và tạo vốn làm ăn lâu dài, bảo đảm cuốc sống mai sau. Họ bảo đảm rằng mỗi lao động làm việc trong 30 tháng ở Mỹ sẽ đạt thu nhập 100 ngàn đôla Mỹ, do đó sẽ sống dư dật cùng gia đình lâu dài về sau.
Chỉ vài tuần làm việc trên đất Hoa Kỳ, công nhân Việt Nam hoàn toàn vỡ mộng, nhà ở chật chội, kém vệ sinh, mỗi phòng nhỏ 10 người chen chúc, ăn không đủ no, không đủ chất, lao động cật lực vẫn không nhận được một phần 3 lương đã hẹn, đã vậy tiền thuê nhà ở, giá bữa ăn, chi phí di chuyển các công ty tự định quá cao, trừ hết vào tiền lương, nên cuối cùng thu nhập chỉ vài trăm đôla mỗi tháng, không đủ để trang trải dần nợ nần do chi phí tuyển mộ ban đầu, thường lên đến từ 7 ngàn đến 10 ngàn đôla. Có lao động than vãn: tưởng là thiên đường, hóa ra là địa ngục!
Hàng trăm lao động Việt Nam ở bang Texas ở trong hoàn cảnh cùng khổ đã hơn nửa năm, các công ty Việt Nam bỏ mặc họ đúng theo kiểu «đem con bỏ chợ», mặc cho điện thoại, thư từ, đơn tập thể gửi về chính phủ và Bộ lao động, nhiều người vỡ mộng muốn về nước cũng không có cách nào thoát. Lãnh sự quán Việt Nam ở Texas biết rõ chuyện vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Cho đến khi một số bà con trong cộng đồng chỉ vẽ cách phát đơn kiện tới chính quyền sở tại, kiếm giúp các luật sư Mỹ có công tâm, thế là chỉ hơn 1 tháng sau Tòa án đã mở phiên tòa xét xử nhanh chóng và công minh.
Bên nguyên là danh sách hơn 55 lao động Việt Nam, bên bị là 2 công ty Hoa Kỳ và 2 công ty quốc doanh Việt Nam đã cùng nhau toa rập để bóc lột công nhân Việt Nam một cách tàn bạo, như kiểu buôn nô lệ thời Trung cổ.
Chánh án tòa án Harris, bang Texas, đã luận tội, lên án mạnh mẽ các công ty Hoa kỳ và Việt Nam về tội buôn người bất nhân, tàn bạo giữa thời đại văn minh của thế kỷ XXI, và tuyên án các công ty trên phải đền bù cho hơn 50 lao động Việt Nam số tiền tổng cộng là 60 triệu đôla, phải giải quyết đúng luật lao động Hoa Kỳ những vấn đề tồn tại, cải thiện nơi ăn ở, sinh hoạt, đi lại, tiền lương, phụ cấp cho mỗi người, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng một số lao động muốn trở về nước.
Hiện dư luận bà con ta ở bang Texas đang theo dõi xem cuộc sống của lao động xuất khẩu từ Việt Nam ở đây được cải thiện ra sao sau phiên tòa này. Chưa biết các công ty quốc doanh Việt Nam sẽ phải đóng góp bao nhiêu vào số tiền 60 triệu đôla đền bù cho người lao động Việt Nam trong vụ án này. Vì cái tội cám dỗ đường mật khi tuyển mộ, hứa hẹn hươu vượn để mê hoặc người lao động nghèo khổ, thêu dệt rằng đất Mỹ như là nơi Đất Hứa, rồi phủi tay sau khi «đem con bỏ chợ», sau khi đút túi số tiền tuyển mộ thường cao gấp đôi mức ghi trong hợp đồng, những tội này được coi là rất nặng trong phiên tòa, lại thuộc về phía Việt Nam.
Cuối tháng 4 này, tin từ Texas cho biết được cổ vũ bởi thắng lợi ngày 4/4/2011 tại phiên tòa quận Harris, được sự giúp đỡ của giáo sư và sinh viên Trường Luật Texas – College of Law - Texas - đặc biệt là của bà giáo sư Nesmi Bang, người lao động tại đây đã phát đơn kiện đích danh 2 công ty Quốc doanh Việt Nam Interserco và Vietnamotors, với nhiều tội danh và bằng chứng mới. Do đó vụ án về buôn người lao động Việt Nam ở Hoa kỳ đang mở rộng phạm vi và quy mô, từ đó có thể lan sang các nước đang có những sự việc tương tự, như ở Đài Loan, Nam Triều Tiên, Saudi Arabia, và Malaysia.
Chờ xem người phát ngôn của bộ ngoại giao ở Hà Nội có dám phủ nhận phiên tòa ở bang Texas, coi đó là vi phạm chủ quyền quốc gia hay không. Rất khó viện cớ như thế vì luật pháp nước Mỹ là rõ ràng, việc buôn người diễn ra trên lãnh thổ Mỹ, luật Mỹ bảo vệ mọi người lao động sinh sống trên đất Mỹ, thường rất nghiêm với các nhà tư bản làm ăn bất lương dù là người Mỹ, và bảo vệ chặt chẽ mọi người lao động dù thuộc bất cứ nước nào.
Lãnh đạo đảng CS Việt Nam trả lời ra sao với công nhân và lao động Việt Nam khi họ vẫn tự nhận rằng về bản chất đảng CS là đảng của công nhân và lao động? Kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XII sắp diễn ra, có đại biểu nào chất vấn chính phủ, chất vấn bộ trưởng lao động về sự kiện trớ trêu, oái oăm này, khi công ty quốc doanh XHCN của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bị truy ra trước vành móng ngựa Hoa kỳ và bị kết tội đã hành sử với lao động nước mình như đối với một bầy nô lệ? Và tiền nộp phạt sẽ lấy ở đâu, nếu không lấy từ ngân sách quốc gia?
Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 vừa qua, bà con công nhân và lao động nước ta cay đắng nghe những bài diễn văn hùng hồn, đầy mỹ từ để so sánh với cuộc sống khó khăn khi giá cả leo thang, lạm phát gia tăng, người lao động bị buôn bán như nô lệ, trong khi các vị «đầy tớ của nhân dân» sống cuộc đời giàu sang, phè phỡn, vượt quá cả các vị đế vương thời xa xưa.
Một nghịch lý trong muôn ngàn nghịch lý của thời đương đại, khi còn tồn tại độc quyền đảng trị.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.