Kiểm ngư Việt Nam sắp được trang bị võ khí trong khuôn khổ nỗ lực tăng cường khả năng cho lực lượng chấp pháp trên biển trước chính sách xâm lấn chủ quyền quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Truyền thông nhà nước ngày 1/8 loan tin theo nghị định 76 có hiệu lực bắt đầu từ giữa tháng 9, lực lượng kiểm ngư và tất cả tàu của họ sẽ có các võ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên, trung liên, và đại liên.
Trước đó 2 ngày, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vừa được cấp một tàu chuyên dụng được mô tả là ‘hiện đại nhất Việt Nam’ với đầy đủ thiết bị hỗ trợ công tác tìm kiếm-cứu hộ, được trang bị 1 sân đáp máy bay trực thăng và 2 vòi rồng công suất lớn.
Các thông tin này xuất hiện nửa tháng sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Suốt thời gian hai tháng rưỡi giàn khoan Trung Quốc hiện diện tại đây, tàu bè của đôi bên Việt-Trung liên tiếp xảy ra các vụ va đụng, gây thiệt hại nặng nề cho hàng chục tàu kiểm ngư và tàu đánh cá của Việt Nam. Hà Nội tố cáo Bắc Kinh chủ động trong các vụ tấn công này.
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam được thành lập từ đầu năm ngoái có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia trên biển.
Tuy nhiên, với khả năng và số lượng giới hạn, hoạt động của đội ngũ này cho tới nay chỉ dừng ở mức quan sát và hỗ trợ ngư dân khi xảy ra sự cố hơn là bảo vệ ngư dân trước sức uy hiếp của Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư trong một cuộc phỏng vấn trước với VOA Việt ngữ từng xác nhận chức năng chính của lực lượng thực thi luật pháp Việt Nam trên biển không phải là đi theo bảo vệ tàu cá Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Oai nói:
“Không, không. Chúng tôi không theo bảo vệ vì lực lượng chúng tôi có hạn. Cả vùng biển rộng lớn chúng tôi chỉ có 30 tàu. Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, quan sát ở xa để theo dõi, để hỗ trợ thôi, chứ chúng tôi không phải theo để bảo vệ tàu cá.”
Ngư dân hoạt động trong khu vực Hoàng Sa nói việc đầu tư thiết bị và võ khí cho lực lượng Kiểm ngư giúp họ cảm thấy an tâm trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, niềm vui của họ phần nào vẫn còn dè dặt trước mối tương quan lực lượng hết sức chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đang sở hữu vô số tàu bè quy mô, trang bị võ khí tối tân.
Thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) hơn 30 năm đánh bắt trên ngư trường gần quần đảo Hoàng Sa, là thành viên trong đội tàu có 1 chiếc bị Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 vừa qua, nói với VOA Việt ngữ:
“Ngư dân làm biển, bất cứ của nước nào cũng vậy, hễ có pháp luật thực thi trên biển bảo vệ ngư dân thì ngư dân hoan nghênh và an tâm làm ăn, đỡ sợ thiệt hại hay uy hiếp này nọ. Nói vậy chứ giờ thực chất Việt Nam làm sao đọ lại với Trung Quốc, nhưng mà có được (trang bị) như rứa thì cũng đỡ bớt cho ngư dân. Nhưng theo tôi nghĩ, giữa chính quyền hai nước phải giải quyết thế nào chứ ngư dân ai cũng mong muốn được an toàn làm ăn trên biển, để lo cho gia đình và đem sản phẩm về cho xã hội. Nhưng mà chừ kệ, nhà nước lo được chừng nào thì người dân được nhờ chừng nấy, chứ biết sao bây chừ?”
Người thuyền trưởng vừa trở về đất liền cho hay kể từ khi giàn khoan Trung Quốc rút lui khỏi khu vực gây tranh cãi tới nay, tình hình trên biển có phần lắng dịu, chưa có báo cáo nào thêm về các vụ tấn công gây thiệt hại cho tàu bè Việt Nam.