Phái viên của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo cho biết ông đã bị ‘các cán bộ an ninh hoặc công an giám sát chặt và sự riêng tư cũng như bảo mật của một số cuộc gặp đã bị ảnh hưởng’, và tuyên bố đó là ‘một sự vi phạm rõ ràng’.
Ông Heiner Bielefeldt lên tiếng như vậy hôm 31 tháng 7 khi kết thúc chuyến thăm kéo dài 10 ngày để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho hay chuyến thăm dự kiến tới An Giang, Gia Lai và Kon Tum đã bị gián đoạn từ ngày 28 tới 30/7.
Ông cho VOA Việt Ngữ biết ông đã không gặp được một số người theo như kế hoạch đã định, trong khi có tin một số người bất đồng chính kiến ở Việt Nam cho hay họ đã ‘bị chặn’ không được tới gặp phái viên Liên Hiệp Quốc này. Ông Bielefeldt cho biết:
“Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định”.
Về những cáo buộc này, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay rằng “đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin”.
Ông Phạm Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, nói:
“Theo nghị quyết 5/2 của Hội đồng Nhân quyền, nước chủ nhà có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho báo cáo viên đặc biệt trong suốt chuyến thăm. Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn”.
Tại Hà Nội, Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long, ông Bielefeldt đã gặp nhiều giới chức chính quyền cũng như giới hữu trách địa phương phụ trách về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng.
Ông cũng gặp đại diện các tổ chức tôn giáo được công nhận lẫn không được công nhận cũng như các tổ chức xã hội dân sự của việt Nam.
Một số cá nhân mà tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấnBáo cáo viên Đặc biệt của LHQ Heiner Bielefeldt.
Trong khi thừa nhận nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng thông qua các công cụ luật pháp, ông Ông Bielefeldt cho biết ông quan sát thấy có tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam, nhất là đối với Phật giáo Hòa Hảo và những người theo đạo Cao Đài.
Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ tận dụng dự luật mới về tôn giáo để đưa các quy định và hoạt động về tôn giáo phù hợp với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Phái viên đặc biệt này sẽ đệ trình báo cáo kết luận cũng như các đề xuất về vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2015.
Ông Bielefeldt nói:
“Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, tôi sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc trên cơ sở tham vấn với chính phủ và tất cả các bên liên quan để có thêm các thông tin và làm sáng tỏ những điểm chưa rõ, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến những vùng tôi không thể đến thăm.”
Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một bản phúc trình về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2013, trong đó viết rằng hiến pháp cũng như luật lệ ở Việt Nam cho phép tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế chính phủ lại “giới hạn” quyền này.
Báo cáo viết rằng nhiều nhóm tôn giáo hoạt động mà không có đăng ký, nhất là tại vùng cao ở miền Trung và Tây Bắc thông báo tình trạng bị ‘sách nhiễu’.
Phúc trình cũng cho biết, trong các cuộc tiếp xúc ở các cấp, các giới chức tại Đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ ở Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quyền tự do tôn giáo ở nước này.
Hà Nội chưa lên tiếng sau khi Mỹ ra báo cáo về tự do tôn giáo về Việt Nam nhưng trước đây từng nhiều lần nói rằng quyền tự do tín ngưỡng của người dân ‘được tôn trọng’.