Đường dẫn truy cập

Khối G7 đồng ý triển hạn các biện pháp chế tài Nga


Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thành viên khác của khối G7 chụp hình lưu niệm tại lâu đài Elmau ở Kruen, ngày 8/6/2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thành viên khác của khối G7 chụp hình lưu niệm tại lâu đài Elmau ở Kruen, ngày 8/6/2015.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu đồng ý siết chặt các biện pháp chế tài Nga nếu nước này không bắt đầu thực thi hiệp định Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Từ khu nghỉ mát Schoss Elmau ở Đức, nơi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hôm thứ hai, thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Thuyết phục các nước Liên hiệp Châu Âu trong khối G7 tán thành việc triển hạn những biện pháp chế tài sẽ hết hạn trong vòng hai tháng vốn là một thách thức đối với Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sự tán thành đó sẽ gởi tới Nga một thông điệp mạnh mẽ, và hôm thứ hai ông đã đạt được mục tiêu.

"Các đối tác Châu Âu của chúng ta đã tái khẳng định là họ sẽ duy trì các biện pháp chế tài đối với Nga cho tới khi nào hiệp định Minsk được thực thi một cách đầy đủ. Điều này có nghĩa là những biện pháp chế tài của Liên hiệp Châu Âu nhắm vào các khu vực kinh tế Nga sẽ tiếp tục được áp dụng sau tháng 7."

Hoa Kỳ và các thành viên khác của khối G7 cũng cảnh báo Nga là họ sẵn sàng áp dụng dụng thêm những biện pháp chế tài mạnh mẽ nếu Nga không tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Phát biểu vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở Đức, ông Obama nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải có một quyết định.

"Phải chăng ông ấy tiếp tục muốn phá nát nền kinh tế của đất nước và tiếp tục làm cho Nga bị cô lập qua việc theo đuổi một ước muốn sai lầm là xây dựng lại những vinh quang của đế quốc Xô Viết? Hay là ông ấy thừa nhận rằng sự vĩ đại của Nga không lệ thuộc vào việc vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của những nước khác?"

Tổng thống Obama nêu bật những cố gắng của ông để đạt được những hiệp định thương mại qui mô lớn với các đối tác ở cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Ông cũng kêu gọi Liên hiệp Châu Âu giúp giải quyết vụ khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Cuộc họp hôm thứ hai còn bao gồm phần thảo luận về khủng bố, một vấn đề quan tâm chính của các nước trong khối G7, trong đó có một số nước tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Obama đã hội đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, là người nói rằng sự thất thủ của thành phố Ramadi mới đây chỉ là một thoái bộ tạm thời của các lực lượng Iraq. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo.

Ông Obama cho biết Hoa Kỳ cần tăng cường kế hoạch huấn luyện cho các binh sĩ Iraq.

"Chúng tôi chưa có một chiến lược hoàn toàn bởi vì nó cũng đòi hỏi những cam kết của người Iraq đối với vấn đề là việc tuyển mộ được thực hiện như thế và việc huấn luyện được thực hiện như thế nào."

Ông Obama nói rằng các lực lượng Iraq cần phải tăng cường công tác tuyển mộ và tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni để có thể đánh bại những phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Phi châu cũng có một vai trò lớn tại hội nghị thượng đỉnh G7. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari được mời đến để nói về những nỗ lực của chính phủ ông nhằm chống lại nhóm hiếu chiến Boko Haram và Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cũng tham gia cuộc thảo luận về những bài học của vụ bộc phát dịch Ebola ở Tây Phi.

Các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ ra sức ngăn ngừa để cho những vụ bộc phát trong tương lai không trở thành những trận đại dịch với việc cung cấp những sự trợ giúp cho 60 quốc gia, kể các các nước trong vùng Tây Phi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG