Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama: Khối G7 đối mặt với các thách thức khó khăn


Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel Đức tới dự ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau ở Kruen, ngày 8/6/2015.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel Đức tới dự ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau ở Kruen, ngày 8/6/2015.

Tổng thống Barack Obama nói các nhà lãnh đạo khối G7 hiện đối mặt với nhiều thách thức khó khăn về các vấn đề như Nga xâm chiếm Ukraine, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tình trạng biến đổi khí hậu. Thông tín viên đưa tin về Tòa Bạch Ốc của VOA Luis Ramirez, hiện tháp tùng đưa tin về chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 của Tổng thống Obama, gửi về bài tường thuật từ địa điểm diễn ra hội nghị nằm ở vùng Bavaria của Đức.

Tổng thống Obama đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel nồng nhiệt chào đón. Hai nhà lãnh đạo sau đó đi thăm Krun, một ngôi làng nằm dưới rặng núi Alps, gần khu nghỉ dưỡng sang trọng Schloss Elmaum, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, trước khi tiến hành hội đàm.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về tương lai chung, về một nền kinh tế toàn cầu tạo ra công ăn việc làm và cơ hội, cũng như việc duy trì một Liên hiệp châu Âu vững mạnh, thịnh vượng, việc củng cố hiệp định đối tác thương mại mới xuyên Đại Tây Dương, việc chống lại sự xâm lăng của Nga ở Ukraine, và việc ngăn chặn các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và của nạn biến đổi khí hậu”.

Năm nay đánh dấu 25 năm ngày nước Đức thống nhất sau nhiều thập kỷ bị chia rẽ sau Thế Chiến II. Trong bối cảnh xảy ra các cuộc xung đột liên quan tới Nga ở Ukraine cũng như các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, Tổng thống Obama cho rằng nước Đức là một ví dụ về một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

“Đó là những thách thức đầy khó khăn. Nhưng trong tình thế đó, điều mang lại cho tôi hy vọng chính là ví dụ về nước Đức. Năm nay đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II cũng như đánh đấu nhiều thập kỷ thiết lập một liên minh vững mạnh là NATO. Năm nay cũng đánh đấu 25 năm ngày thống nhất nước Đức, một sự kiện đã tạo cảm hứng cho toàn thế giới. Việc chúng ta ngồi lại đây hôm nay là bằng chứng cho thấy các cuộc xung đột có thể chấm dứt và có thể đạt được tiến bộ lớn.”

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo, các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào giải pháp trong tương lai, một năm sau khi các biện pháp trừng phạt không thể ngăn chặn việc Nga tiếp tục đưa vũ khí và lực lượng tới hỗ trợ các phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine.

Trong khi các biện pháp trừng phạt sẽ hết hiệu lực trong vòng hai tháng tới, và trong khi bạo lực lại tiếp tục bùng lên ở Ukraine, Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu gia hạn các biện pháp trừng phạt này.

Các quan chức Mỹ nói rằng ông Obama và bà Merkel đồng ý với nhau là việc gia hạn các biện pháp trừng phạt sẽ gắn với chuyện Nga tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận rút quân khỏi Ukraine và tôn trọng chủ quyền của nước này.

Đối với Tổng thống Obama, một trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh lần này là thúc đẩy các nỗ lực thương thảo thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là TPP, bao gồm sự tham gia của hơn một chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, một nước thuộc G7. Ngoài ra, còn có thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương, viết tắt là TTIP.

Ông Claude Barfield, một nhà phân tích vấn đề thương mại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng các nước châu Âu đang chú tâm theo dõi các thỏa thuận thương mại này.

“Tổng thống Obama sẽ cập nhật thông tin cho các nhà lãnh đạo châu Âu về TPP. Ông sẽ dành thêm thời gian về vấn đề đó cũng như bảo đảm với họ rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết thúc đẩy TTIP, hiệp định thương mại giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu.

Nằm trong chương trình nghị sự hôm nay là vấn đề khủng bố cũng như cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG