Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo G7 xác nhận các biện pháp chế tài Nga


Các lãnh đạo của 7 nước mạnh nhất thế giới tại cuộc họp thượng đỉnh của khối ở
Các lãnh đạo của 7 nước mạnh nhất thế giới tại cuộc họp thượng đỉnh của khối ở

Các nhà lãnh đạo của 7 nước mạnh nhất thế giới đã đồng ý trong ngày hôm nay siết chặt thêm các biện pháp chế tài Nga, nếu cần, để làm áp lực cho một giải pháp về vụ xung đột ở miền đông Ukraine.

Tại cuộc họp thượng đỉnh của khối G7, các nhà lãnh đạo nói các biện pháp chế tài hiện hành sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Nga giúp thực thi đầy đủ một kế hoạch hòa bình đã được đồng ý hồi tháng 2 ở Minsk, Belarus. Điều đó cho thấy các thành viên Âu châu trong khối này sẽ ủng hộ việc gia hạn các biện pháp chế tài chủ yếu của Liên hiệp châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh trong tháng này.

Thông cáo của khối G7 cảnh báo, "chúng tôi cũng sẵn sàng tiến hành thêm các biện pháp hạn chế để gia tăng thiệt hại đối với Nga nếu cần".

Một cuộc tấn công chớp nhoáng của các phần tử ly khai được Nga hậu thuẫn hồi tuần trước đã nêu ra những mối quan ngại mới về sự thành thực trong cam kết của Nga là tìm ra một giải pháp chính trị.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói: "Lực lượng Nga tiếp tục hoạt động ở miền đông Ukraine, vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Ông nói các biện pháp chế tài hiện hữu đã làm tê liệt nền kinh tế Nga, và ông nói Tổng thống Nga Vladimir Putin phải quyết định liệu có ‘tiếp tục gây tan hoang nền kinh tế đất nước và tiếp tục sự cô lập của Nga để theo đuổi ý muốn sai trái là tái lập thời kỳ huy hoàng của Đế quốc Xô Viết hay không.

Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp thượng đỉnh G7.
Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp thượng đỉnh G7.

Ông Obama nói: "Sự vĩ đại của Nga không lệ thuộc vào việc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước khác".

Nga đã bị khai trừ ra khỏi nhóm từng là Nhóm 8 nước hồi năm ngoái bởi vì việc Nga chiếm đóng và sáp nhập vùng Crimea của Ukraine và ủng hộ cho các phần tử ly khai ở miền đông Ukraine.

Các nhà lãnh đạo của khối G7 còn lại đã cam kết gia tăng sự ủng hộ dành cho các nỗ lực cải cách và tăng trưởng kinh tế của Ukraine, nhưng không nói gì về viện trợ quân sự, mà một số quốc gia G7 cung cấp trên một cơ sở song phương.

Khối này cũng đề cập đến những mối đe dọa từ phía các nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram, hội họp trong ngày hôm nay với các nhà lãnh đạo của Iraq, Tunisia và Nigeria.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng kêu gọi tất cả các quốc gia chống nạn buôn bán người, đang gây ra một vụ khủng hoảng người tỵ nạn ở một số nước Âu châu trong vùng Địa Trung Hải và hợp tác để thành lập một chính phủ quốc gia ở Libya để giúp ngăn chặn luồng người tỵ nạn.

Phần lớn thông cáo của hội nghị thượng đỉnh được dành cho những vấn đề như biến đổi khí hậu, sức khỏe và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác hướng tới việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại mà họ cho là sẽ góp phần vào sự tăng trưởng bền vững.

Họ cam kết gia tăng viện trợ cho các nước đang phát triển và theo đuổi các mục tiêu nghiêm khắc về kiểm soát lượng khí thải tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Pháp hồi tháng 12 năm ngoái. Họ muốn các chính phủ và các doanh nghiệp chi ra 100 tỷ đôla mỗi năm để giảm thiểu lượng khí thải.

Họ dự định tăng cường khả năng của các nước Phi châu nhằm phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Họ cũng đã đưa ra cam kết hợp tác với 60 nước để cải thiện y tế và tránh những dịch bệnh như vụ bộc phát Ebola mới đây ở Tây Phi.

Khối G7 cam kết đưa 500 triệu người ra khỏi cảnh đói khát và suy dinh dưỡng trước năm 2030. Căn cứ chủ yếu vào một sáng kiến của vị chủ tọa hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nhà lãnh đạo hứa sẽ mở rộng các cơ hội để phụ nữ đạt được kiến thức và kỹ năng họ cần để nuôi sống gia đình. Họ muốn có thêm 1/3 số phụ nữ được huấn nghệ trước năm 2030.

Các quan sát viên không chính thức thường bác bỏ danh sách dài các cam kết của khối G7, nhưng Nhóm Nghiên cứu G8 toàn cầu nói các nhà lãnh đạo có xu hướng hoàn tất chừng 75 phần trăm những lời cam kết và đã đạt được tỷ lệ 82 phần trăm trong năm vừa qua. Giám đốc nhóm này, Giáo sư John Kirton của trường Đại học Toronto, nói với đài VOA rằng: "Họ quả thực có xu hướng tôn trọng những lời hứa mà họ đã đưa ra với tư cách tập thể".

Giáo sư Kirton nói: "Khối G7 vẫn kiểm soát một phần lớn các khả năng đáng kể. Nói chung chính tiền tệ của khối G7 được sử dụng hàng giây mỗi ngày trong các giao dịch và thương mại quốc tế. Khi ta cần phải viện đến sự can thiệp của quân đội để ngăn chặn sự hiếu chiến, sáp nhập và đình chỉ tình trạng diệt chủng ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác thì chính khối G7 là người làm công việc đó".

Ông Kirton nói thêm: "Khối này vẫn là cơ quan quản trị toàn cầu ở cấp thượng đỉnh có sứ mạng nổi bật là thăng tiến trên toàn cầu các giá trị của một nền dân chủ cởi mớ, quyền tự do cá nhân – đó là nhân quyền – và tiến bộ xã hội. Đó là các giá trị mà chúng ta biết là gần như mọi công dân ở tất cả các nước đều mong muốn. Khối G7 là câu lạc bộ duy nhất đi tiên phong về các giá trị đó và đạt được thành quả đáng kể".

Tổng thống Obama nói khối G7 tồn tại một phần "để bênh vực cho các nguyên tắc cơ bản mà chúng ta chia sẻ trong tư cách các nền dân chủ vì tự do, vì hòa bình, vì quyền của các quốc gia và các dân tộc quyết định vận mạng của chính mình, vì Nhân quyền phổ cập và nhân phẩm của mỗi một con người".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG