Tôi không muốn viết về cái chết của Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn. Thứ nhất, đã có quá nhiều người viết rồi. Đó là một trong những cái chết làm hao tổn giấy mực nhiều nhất trên thế giới trong năm vừa qua, bên cạnh cái chết của Osama bin Laden (ngày 2/5/2011) và Muammar Gaddafi (20/10/2011).[1] Thứ hai, với tôi, cái chết của ông chẳng gợi lên một ấn tượng gì cụ thể. Đó chỉ là cái chết muộn màng của một kẻ đáng lẽ nên chết từ lâu, hoặc tốt nhất là đừng bao giờ nên xuất hiện trên trái đất.
Thế nhưng, tôi lại không ngớt bị ám ảnh vì một điều khác, liên quan đến cái chết của Kim Chính Nhật, được nhìn thấy trên ti vi trong nhiều ngày: hình ảnh của cả hàng trăm ngàn người khóc lóc thảm thiết. Già khóc. Trẻ khóc. Nam khóc. Nữ khóc. Cán bộ đảng viên khóc. Dân chúng khóc. Khóc khi nghe báo tang. Khóc khi viếng xác. Khóc khi dự tang lễ. Có người khóc nức nở, lâu lâu lại rống lên những tiếng kêu thảm thiết. Có người khóc sụt sùi, nước mắt nước mũi chan hòa trên khuôn mặt nhăn nhúm vì đau khổ. Có lẽ lâu lắm, cả hàng chục năm nay, dân chúng khắp thế giới mới được chứng kiến màn khóc tập thể hùng hậu đến như vậy.
Thật ra, chuyện khóc lóc, nếu gắn liền với sự đau khổ, là điều chúng ta không nên đề cập. Một trong những nguyên tắc căn bản của đạo đức học là phải biết kính trọng sự đau khổ của người khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: Liệu những tiếng khóc ấy có gắn liền với sự đau khổ không? Dù câu trả lời là có hay không thì những tiếng khóc ấy cũng là một hiện tượng chính trị, xã hội và văn hóa rất đáng được phân tích.
Năm 1997, trước cái chết của công nương Diana ở Anh, cũng có rất nhiều người khóc. Những người quen với bà: khóc. Cả những người không quen biết gì cả, chỉ chiêm ngưỡng bà từ xa, rất xa: cũng khóc. Rồi cái chết của ca sĩ Michael Jackson năm 2009 cũng làm cho nhiều người ái mộ òa lên nức nở.
Đó là những hiện tượng bình thường. Ở Tây phương, chúng gắn liền với văn hóa đại chúng. Trong văn hóa đại chúng, mỗi người nổi tiếng đều có những “fan” với những mức độ nồng nhiệt và cuồng nhiệt khác nhau. Với họ, “sao” là thần tượng, là lý tưởng, có chức năng nuôi dưỡng và định hướng những ước mơ thầm kín nhất của họ. Khi thần tượng bị mất, người ta đâm ra lạc lõng. Lạc lõng ngay cả trong giấc mơ. Họ có cảm tưởng như một phần trong chính bản thân họ đã bị mất đi cùng với cái chết của ngôi sao nọ. Đó là lý do tại sao nhiều người thú nhận là cái chết của thần tượng họ gây xúc động và ảnh hưởng đến cuộc đời của họ một cách sâu sắc hơn cả cái chết của những người thân nhất trong gia đình.
Nhưng tâm lý ấy rất khó áp dụng vào trường hợp của dân chúng Bắc Hàn khóc thương Kim Chính Nhật. Hầu như khắp thế giới, ai cũng biết Kim Chính Nhật là một trong những tên độc tài tàn bạo, ích kỷ và điên cuồng nhất trong lịch sử nhân loại. Người ta xem đó chỉ là một tên hề. Khác với những tên hề bình thường, đó là một tên hề cực kỳ nguy hiểm; một mặt, có thể làm đủ thứ trò lố bịch để gây cười cho thiên hạ; mặt khác, lại có thể dửng dưng gây ra cái chết của cả hàng triệu người dân vô tội trong nước. Bắc Hàn bị xem là nước nghèo nhất thế giới, năm nào cũng có người chết đói và vô số người đối diện với nguy cơ chết đói, nhưng bản thân Kim Chính Nhật thì lại luôn luôn khoe khoang sự xa xỉ của mình (chỉ riêng số rượu loại thượng hảo hạng của Pháp mà Kim Chính Nhật tiêu thụ lên đến 500.000 đô la mỗi năm!).
Một tên bạo chúa kiểu như vậy, nếu chết đi, đáng lẽ thiên hạ phải đổ xô xuống đường nhảy múa hò reo mừng rỡ, chứ tại sao lại khóc lóc thảm thiết đến như vậy?
Chúng ta có thể nêu lên giả thiết là: Họ chỉ giả vờ khóc. Khóc không phải vì thương tiếc. Mà vì sợ hãi. Khóc không phải cho người mới chết. Mà khóc để biểu diễn với những tên công an đang âm thầm theo dõi đâu đó, chung quanh. Đây là một giả thiết hợp lý. Có điều, nó không phải hoàn toàn là sự thật. Cũng có thể có một số người, thậm chí, nhiều người, khóc thật.
Với những người khóc thật, lời giải thích được nhiều người nói nhất là: Họ bị nhồi sọ. Thế giới bên ngoài có thể xem Kim Chính Nhật là một tên hề hoặc một gã khùng. Nhưng dân chúng Bắc Hàn, vốn bị khép kín và chỉ nhận được một nguồn tuyên truyền duy nhất, lại xem Kim Chính Nhật như là thần linh: lúc mới sinh, cầu vồng hiện ra, chim chóc bay đến hót vang cả làng; sau, lớn lên, tâm trạng vui buồn có thể ảnh hưởng lên cả thời tiết; và khi chết, thiên nhiên cũng dường như chia sẻ cả nỗi đau mất mát.
Cho nên, nếu tiếng khóc ở Bắc Hàn trước cái chết của Kim Chính Nhật không phải giả vờ thì cũng là kết quả của quá trình nhồi sọ và ngu dân kéo dài cả mấy chúc năm. Đó là lý do tại sao tôi gọi đó là tiếng khóc ngu.
Chỉ xin nhắc là: những tiếng khóc ngu như thế không phải chỉ xuất hiện một lần. Trước, vào năm 1953, khi Stalin chết, cũng có hàng triệu người khóc như thế. Tiếng khóc ấy lan đến tận Việt Nam, đọng lại trong thơ văn của nhiều người, nổi bật nhất là thơ Tố Hữu. Rồi năm 1976, Mao Trạch Đông chết, cũng thế. Cũng hàng triệu người lăn ra khóc. Năm 1984, lúc Kim Nhật Thành, bố của Kim Chính Nhật, chết, dân Bắc Hàn cũng khóc vang trời dội đất.
Và, đừng quên: Năm 1969, lúc Hồ Chí Minh chết, ở miền Bắc, cũng có cả một trận mưa nước mắt dầm dề. Ngoài đời và trong văn học.
[1] Tôi không muốn nhắc đến cái chết của hai người khác, được mọi người thương tiếc: Steven Jobs, người sáng lập công ty Apple; và Vaclav Havel, cựu Tổng thống Czechoslovakia (1989-1992), và sau đó, Cộng Hòa Czech (1993-2003).
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.