Tuần trước, nhân đi Canberra, thủ đô nước Úc, để dự một cuộc hội nghị, tôi đã làm một việc bất ngờ và đầy ý nghĩa: đi thăm Đài tưởng niệm chiến tranh của Úc (Australian War Memorial).
Bất ngờ vì, thật ra, tôi đi Canberra khá nhiều và khá thường xuyên, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định vào thăm viếng đài tưởng niệm chiến tranh cả. Đi ngang qua, thấy nó nằm đó, đồ sộ và uy nghi, ở một vị trí cực đẹp của thành phố, nhưng trong lòng không hề gợi lên một sự tò mò hay thích thú gì cả. Thời chiến tranh Việt Nam, tôi còn nhỏ, chưa hề đóng vai một người tham dự, dù ở bất cứ bên nào. Tôi chỉ là chứng nhân, và phần nào nạn nhân. Tư cách gọi là “nạn nhân” cũng vừa phải: bị bố mẹ dắt díu chạy từ trại tị nạn này đến trại tị nạn khác. Nơi nào cũng tạm bợ. May, không nơi nào bị biến thành chiến trường. Tôi chỉ nghe tiếng súng từ xa. Chỉ thấy người chết khi họ đã được mang về nhà, trong những áo quan được phủ cờ. Tuy nhiên, như thế cũng đủ làm cho tôi thấy chán ghét chiến tranh và mọi hình thức bạo động. Chán ghét nên không muốn nghĩ tới. Càng không bao giờ có ý nghĩ vào các viện bảo tàng hay đài tưởng niệm để lại nhìn thấy súng đạn và những hình ảnh đầy máu me, chết chóc.
Nhưng tôi lầm. Khi một người bạn rủ tôi đi thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Úc, tôi nhận lời một cách miễn cưỡng. Đến, mới thấy đó là một việc làm có ý nghĩa. Và thích.
Thích, trước hết, là ở không khí. Đài tưởng niệm được dựng trên một mảnh đất rộng, đầy cây cối. Bước ra khỏi xe, đi trên những con đường nhỏ phủ đầy cây xanh và vang tiếng chim hót, tự dưng thấy êm ả lạ thường. Nếu không có hình ảnh vài chiếc xe tăng và vài khẩu đại bác nằm dọc đường đi hay trên bãi cỏ, mọi thứ đều rất yên bình. Mà yên bình thật. Tôi nhận thấy có khá nhiều người tản bộ chung quanh Đài tưởng niệm. Có khi đi cả gia đình, đầy đủ cha mẹ và con cái. Có khi là các cặp tình nhân dung dăng dung dẻ đi dạo hoặc ngồi tựa đầu vào vai nhau, hú hí hoặc thầm thì.
Thích nữa là ở kiến trúc. Được xây dựng từ năm 1941, Đài tưởng niệm chiến tranh Úc được đánh giá là một trong những đài tưởng niệm đẹp và có ý nghĩa nhất thế giới. Nó không những bao gồm tòa nhà chính mà còn bao gồm cả khu vườn (gọi là vườn điêu khắc - sculpture garden) chung quanh như một cách để chuẩn bị tâm thế thích hợp cho những người đến viếng: một tâm thế lặng lẽ và trầm tư.
Tòa nhà chính bao gồm ba khu vực: Khu vực tưởng niệm, khu vực triển lãm và khu vực nghiên cứu.
Khu vực tưởng niệm chiếm vị trí trung tâm. Bước vào cửa là thấy ngay. Ở chính giữa là ngôi mộ (tượng trưng) của người chiến sĩ vô danh Úc. Hai bức tường chạy dọc hai bên là tên của 102.000 người lính Úc đã hy sinh trong tất cả các cuộc chiến tranh Úc từng tham dự, từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai đến chiến tranh Đại Hàn, chiến tranh Việt Nam và hai cuộc chiến tranh gần đây nhất, ở Iraq và Afghanistan. Bên cạnh các dãy tên là những đóa hoa màu đỏ tươi thắm. Tôi không đủ tò mò và kiên nhẫn để đọc những cái tên xa lạ ấy. Nhưng tôi để ý thấy có khá nhiều người đọc chúng. Đọc một cách chậm rãi, từ dãy này đến dãy khác. Không chắc họ đọc hết. Nhưng họ có vẻ chăm chú.
Khu vực triển lãm rộng nhất dù phần lớn nằm dưới tầng hầm. Nếu đi hết và quan sát từng chi tiết, có khi phải mất cả ngày. Vì ít thì giờ, tôi chọn biện pháp đơn giản nhất là theo chân một hướng dẫn viên thiện nguyện. Đi từ gian triển lãm chiến tranh thế giới lần thứ nhất (dãy nhà phía Tây) sang chiến tranh thế giới lần thứ hai (dãy nhà phía Đông) là hết một tiếng rưỡi. Mà chỉ dừng lại ở những điểm chính chứ không phải là toàn bộ. Sau đó, tôi đến gian phòng triển lãm chiến tranh Việt Nam và ở lại đó thêm khoảng một tiếng đồng hồ nữa. Vẫn không đủ để xem những thứ cần xem. Tôi bỏ qua các gian triển lãm khác và cả khu vực nghiên cứu. Vì không đủ thì giờ.
Ngoài không khí, cách kiến trúc, điều tôi thích nữa ở Đài tưởng niệm chiến tranh Úc là sự giàu có của số lượng hiện vật được trưng bày. Nhiều vô cùng. Tất cả đều được xếp đặt một cách khéo léo, vừa hình vừa chữ. Ánh sáng hài hòa, chiếu thẳng vào những chỗ người ta cần xem hay đọc, còn khung cảnh chung quanh thì lúc nào cũng mờ mờ để gợi cảm giác đang sống ở một thế giới khác, một thế giới chiến tranh đã xa. Còn có cả âm thanh nữa. Lúc thì là tiếng súng nổ; lúc thì là tiếng trực thăng. Ví dụ, ở gian chiến tranh Việt Nam, có hình ảnh một chiếc trực thăng đang hạ cánh, lúc nào cũng kèm theo tiếng máy bay sè sè và nhỏ hơn, thỉnh thoảng vọng lại tiếng súng lạch tạch. Xa xa.
Một số trí thức khuynh tả và phản chiến phê phán Đài tưởng niệm tập trung quá nhiều vào việc trưng bày khía cạnh quân sự mà lơ là các khía cạnh chính trị và xã hội của chiến tranh. Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi muốn được xem nhiều hơn cuộc sống của con người, nhất là những con người bình thường, trong chiến tranh: Những đau thương và mất mát mà họ phải chịu đựng, có khi từ những nơi rất xa chiến trường. Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng biết là khó đòi hỏi sự hoàn hảo ở một Đài tưởng niệm kiêm bảo tàng chính thức như vậy.
Điều tôi thích nhất ở Đài tưởng niệm và cũng là lý do chính khiến tôi đủ hứng thú để viết bài này chính là triết lý về chiến tranh toát lên từ Đài tưởng niệm. Đã đành trung tâm của cuộc triển lãm là quân sự. Nhưng người ta không quá tập trung vào cái ác của kẻ thù cũng như sức mạnh của phe mình như cái điều thường thấy ở các viện bảo tàng chiến tranh khác, kể cả ở Việt Nam. Trong Đài tưởng niệm chiến tranh Úc, người ta có cái nhìn khá quân bình: làm toát lên ở người lính, không phải chỉ có sự anh hùng mà còn có cả một số điều quý báu khác như sự hy sinh, chịu đựng và tình đồng đội. Xuất hiện khá nhiều và, theo tôi, đẹp nhất trong khu vực triển lãm là tượng những người lính cứu giúp nhau: hoặc người lính này đỡ người lính khác đang bị thương lên ngựa, hoặc hai người lính đang khiêng một người lính thứ ba bị thương trên một chiếc băng ca. Ngoài ra, cũng có một bức tượng mà tôi rất thích: hình ảnh một người lính đang ngồi gục đầu, gần như kiệt sức, trên một mảnh đất bùn lầy.
Nhìn những cảnh như thế, người ta không thể không nghĩ ngợi về chiến tranh.
Những người thiết kế Đài tưởng niệm chiến tranh Úc có một tầm nhìn hết sức có ý nghĩa và không thể không thán phục: Họ xây dựng Đài tưởng niệm chiến tranh đối diện với Tòa nhà Quốc Hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước Úc. Từ bên này, ở Đài tưởng niệm, nhìn sang bên kia, thấy chính trị và quyền lực. Từ bên kia nhìn sang bên này, từ cửa sổ văn phòng thủ tướng cũng như các bộ trưởng, người ta đều thấy, trước hết, hình ảnh Đài tưởng niệm để đừng ai quên cái giá của chiến tranh.
Và đắn đo hơn mỗi lần quyết định gây chiến hay tham chiến, ở đâu đó.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.