Sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan và biến các nhà ngoại giao trở thành những kẻ làm xiếc: Họ phải bước trên những sợi dây mong manh và cố giữ quân bình giữa các quyền lợi và thế lực khác nhau.
Có thể nêu ba nước chính làm ví dụ: Úc, Nhật và Nam Hàn. Cả ba đều là những đồng minh thân cận của Mỹ, hơn nữa, đều xem quan hệ đồng minh với Mỹ là một trong những điều kiện sống còn, một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của nước họ.
Từ sau đệ nhị thế chiến, Nhật và Mỹ đã ký một số hiệp ước song phương về vấn đề an ninh chung. Tuy là một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Nhật cũng không thể tự bảo vệ mình trong suốt thời chiến tranh lạnh với Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa nếu không có sự trợ giúp tích cực về phía Mỹ. Có thể nói, suốt thời chiến tranh lạnh, Nhật chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế, còn vấn đề an ninh thì hầu như giao khoán cho Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng xem Nhật là căn cứ quân sự lớn nhất ở châu Á, nơi thường xuyên có khoảng 50.000 lính Mỹ đồn trú (khoảng một nửa đóng ở Okinawa). Gần đây, thường xuyên có các cuộc tranh cãi về sự hiện diện của số quân đông đảo này trên đất Nhật. Có lẽ, sắp tới, với chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng và tinh giản quân đội của Mỹ, một số lính sẽ được rút về nước. Tuy nhiên, quan hệ an ninh giữa Nhật và Mỹ, nói chung, vẫn rất chặt chẽ. Nhật vẫn cần Mỹ để bảo vệ mình; và Mỹ cũng cần Nhật để duy trì quyền lực cũng như bảo vệ quyền lợi ở châu Á.
Nam Hàn lại càng cần Mỹ hơn nữa. Không có Mỹ, sẽ không có sự tồn tại của cái gọi là Nam Hàn hay Hàn Quốc bây giờ. Sau cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài ba năm (1950-3) với Bắc Hàn, hầu như lúc nào Nam Hàn cũng sống trong trạng thái phập phồng trước một cuộc xâm lược mới có khả năng xảy ra từ những người anh em cuồng tín, hung hãn và nghèo đói ở phía Bắc. Số lính Mỹ đóng ở Nam Hàn chỉ thấp hơn ở Nhật một chút: khoảng gần 40.000 người. Đó là chiếc bùa hộ mệnh cho một nửa nước tự do này.
Úc cũng vậy. Là một quốc gia Tây phương đất rộng người thưa sống sát nách châu Á, Úc chỉ thoát được thế cô lập và tránh bị đe dọa với một điều kiện hầu như duy nhất: liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước ANZUS giữa Mỹ, Úc và Tây Tân Lan được ký kết từ năm 1951 là cột xương sống trong chính sách quốc phòng của Úc. Từ đó đến nay, mối liên minh ấy chưa bao giờ bị lung lay hay bị đặt thành nghi vấn. Trong hầu hết các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, ở đâu có lính Mỹ, ở đó có lính Úc. Như hình với bóng. Úc hy vọng, với mối quan hệ gần gũi ấy, Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ Úc trước bất cứ một sự đe dọa nào từ bên ngoài.
Thế nhưng gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mối quan hệ giữa cả ba quốc gia kể trên với Mỹ đều đối diện với những thách thức nghiêm trọng. Trên nguyên tắc và một cách công khai, ở đâu người ta cũng dõng dạc khẳng định mối quan hệ ấy vẫn nguyên vẹn, hơn nữa, càng được củng cố thêm khi Trung Quốc bộc lộ một số tham vọng chính trị của họ trên vũ đài thế giới. Nhưng trên thực tế, quan hệ giữa ba nước với Mỹ, vốn dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ và quyền lợi chính trị (với Úc thì còn có sự tương đồng về văn hóa nữa), không ngừng bị xói mòn bởi một yếu tố mới: quyền lợi về kinh tế, ở đó, sức nặng càng ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc.
Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật với số tiền giao dịch lên đến 300 tỉ đô-la vào năm 2010. Con số 300 tỉ đô-la giao dịch này cũng là mục tiêu mà giới lãnh đạo Trung Quốc và Nam Hàn đặt ra cho quan hệ thương mại giữa họ vào năm 2015. Hiện nay, với Trung Quốc, Nhật và Nam Hàn là đối tác thương mại đứng hàng thứ 2 và 3, chỉ sau Mỹ. Về phương diện này, vị trí của Úc thấp hơn: Úc chỉ là bạn hàng lớn thứ 7 của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, trên cả Mỹ và châu Âu.
Nói một cách tóm tắt, hiện nay, Trung Quốc là địa điểm xuất khẩu lớn nhất của cả ba nước Nhật, Nam Hàn và Úc. Năm 2010, tỉ lệ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng số hàng xuất khẩu quốc gia ở Nam Hàn là 25.1%; ở Nhật là 19.4% và ở Úc là 25.3%.
Hầu hết giới bình luận kinh tế và chính trị đều cho lý do quan trọng nhất khiến Úc có thể bình an vô sự trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 và kéo dài đến tận bây giờ là nhờ nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn không thay đổi. Các hầm mỏ khoáng sản ở Úc vẫn làm việc hết công suất để cung ứng cho nhu cầu hầu như vô tận của Trung Quốc.
Bình thường, người ta vẫn phân biệt giữa thương mại và chính trị. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành căng thẳng, Trung Quốc không ngần ngại trong việc biến thương mại thành một vũ khí chính trị. Khi họ trở chứng, kinh tế của cả ba nước Nhật, Nam Hàn và Úc sẽ gặp khó khăn ngay tức khắc. Và như là quy luật ở các nước dân chủ: khi kinh tế gặp khó khăn, dân chúng sẽ bất mãn, và cuối cùng, chính phủ sẽ sụp đổ. Dĩ nhiên không có chính phủ nào muốn sụp đổ cả. Họ sẽ tìm mọi cách để tồn tại, trong đó cách hiệu quả nhất là nhân nhượng Trung Quốc. Đã đành là mọi sự nhân nhượng đều có giới hạn. Nhưng chỉ cần một chút nhân nhượng, tương quan chính trị trong khu vực cũng sẽ đổi khác.
Ở trên, chúng ta chỉ nhắc đến Nhật, Nam Hàn và Úc. Thật ra, Việt Nam cũng ở hoàn cảnh ít nhiều tương tự. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phức tạp hơn ba nước kia nhiều. Giữa Việt Nam và Mỹ, nếu không có sự thù nghịch thì cũng có sự nghi ngờ. Nhưng có điều Việt Nam cũng cần Mỹ không thua gì các nước khác cần Mỹ. Thậm chí, còn cần hơn. Không có nước nào chịu nhiều áp lực chính trị từ phía Trung Quốc như là Việt Nam. Cũng không có nước nào cần đồng minh hơn Việt Nam. Từ giữa năm 2011 đã thấy xuất hiện một nỗ lực xây dựng quan hệ đồng minh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ rõ ràng là chưa đủ mạnh để kiềm chế Trung Quốc. Do đó, chắc chắn là Việt Nam cần một đồng minh khác, lớn và mạnh hơn.
Nhưng đồng minh ấy lại chứa đựng đầy nguy cơ. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là mất đảng.
Trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nếu các nước Nhật, Nam Hàn và Úc, một lúc nào đó, sẽ phải lựa chọn giữa lý tưởng chính trị và quyền lợi kinh tế thì đối với Việt Nam, một lúc nào đó, sự lựa chọn sẽ khốc liệt hơn: giữa độc lập và lệ thuộc.
Hay nói theo lời người dân thường nói: Lựa chọn giữa chuyện mất nước hay mất đảng.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.