Đường dẫn truy cập

Khi Trump thoái lui, Tập mưu tính làm ‘siêu cường’


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump làm nảy sinh nghi ngờ về cam kết lãnh đạo thế giới của Mỹ với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông – với việc ông rút ra các thỏa thuận quốc tế và các hiệp ước đa phương – thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra sẵn sàng và có thể nắm lấy quyền lãnh đạo trước một nước Mỹ đã thoái lui, một chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ, nhận định.

Trong bài viết có nhan đề ‘Kế hoạch Siêu cường của Tập Cận Bình’, bà Elizabeth Economy, giám đốc chương trình nghiên cứu về châu Á của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, viết trên Wall Street Journal rằng: “Khi mà Tổng thống Trump đang xây dựng cương lĩnh ‘Nước Mỹ trên hết’, thì ông Tập đang gieo những hạt giống đầu tiên để tạo dựng một thế giới mà ở đó ‘Trung Quốc là số 1’.

Bà Economy, vốn là người thường đến thăm Trung Quốc, cho biết bà đã ngạc nhiên như thế nào khi lần đầu tiên bà nghe một quan chức Trung Quốc gọi nước của ông là ‘siêu cường’ hồi đầu năm.

Bà cũng nhắc lại một bài diễn văn ít được để ý của ông Tập hồi tháng trước trước đông đảo các quan chức và các học giả ngoại giao cao cấp của Trung Quốc. Khi đó ông Tập đã nói rằng Trung Quốc có ý tưởng của riêng mình về cách thế giới nên vận hành như thế nào và Trung Quốc có sự chuẩn bị để, theo lời ông, ‘lãnh đạo công cuộc cải cách quản trị toàn cầu’.

Rõ ràng là tư tưởng ‘Giấu mình chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình hiện giờ không còn nữa. Thậm chí khẩu hiệu của người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào ‘trỗi dậy hòa bình’ cũng đã ít được nghe thấy vào thời điểm hiện nay. “Ông Tập đã nói rõ rằng ông đặt mục tiêu xây dựng một bối cảnh địa chiến lược mới,” bà cho biết.

Ông Tập đã có những động thái quả quyết để thực thi những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, khác với những người tiền nhiệm của ông chỉ tuyên bố có chủ quyền, bằng cách cưỡng ép, lôi kéo, hay bằng cách sử dụng vũ lực đơn thuần.

“Ông Tập đã có những bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu thống nhất Trung Quốc vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bà Economy cho biết và đưa ra dẫn chứng là trên Biển Đông, ông Tập vẫn đang tiếp tục phát triển và quân sự hóa bảy thực thể nhân tạo. Ở Hong Kong, ông Tập đã có động thái bịt miệng những tiếng nói chống đối và đã khiến cho một số nhà hoạt động dân chủ không thể ra tranh cử vào chính quyền. Còn đối với Đài Loan, Bắc Kinh đã bóp nghẹt chính trị đối với hòn đảo này bằng cách áp lực với các nước từ bỏ công nhận ngoại giao đối với Đài Loan và buộc các tập đoàn đa quốc gia phải thừa nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tầm nhìn của ông Tập về sự lãnh đạo của Trung Quốc vượt xa vùng sân sau của nước này. Ông đã đề ra dự án thương mại và đầu tư quy mô lớn mang tên ‘Một Vành đai, Một Con đường’ nhằm hồi sinh lại con đường Tơ lụa cổ đại và con đường giao thương gia vị trên biển. Dự án ‘Vành đai, Con đường’ này nhằm kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Dự án này có tiềm năng đáp ứng được chỗ 3.000 tỷ đô la Mỹ thiếu hụt hàng năm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu: đường sắt, bến cảng, các đường ống khí đốt và các xa lộ do công nhân Trung Quốc xây dựng và được đầu tư bằng tiền Trung Quốc cho vay. Kế hoạch này giờ đây còn có thêm nội dung kỹ thuật số: lắp đặt đường cáp quang, hệ thống vệ tinh và thương mại điện tử và Con đường Tơ lụa Bắc Cực để kết nối trực tiếp Trung Quốc với châu Âu thông qua Bắc Cực.

Vẫn theo tác giả bài đăng trên Wall Street Journal, việc phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế của Trung Quốc đi kèm với mở rộng sự hiện diện về an ninh của nước này. Hồi năm 2017, Bắc Kinh đã mở căn cứ hậu cần quân sự đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng Sừng của châu Phi và có thể sẽ có thêm nhiều căn cứ nữa ở các nước khác. Các công ty nhà nước của Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát hay có cổ phần kiểm soát đối với ít nhất 76 cảng biển ở 35 quốc gia. Và bất chấp tuyên bố của Bắc Kinh rằng những cảng biển này chỉ dành cho mục đích thương mại, các tàu hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc đã ghé qua một số cảng trong số này.

Ông Tập cũng không né tránh việc xuất khẩu mô hình chính trị của Trung Quốc. Ở ít nhất tám quốc gia châu Phi, cũng như ở một số nước đông nam Á và Mỹ Latin, các quan chức Trung Quốc đang huấn luyện đối tác của họ quản lý ổn định chính trị bằng biện pháp tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và mạng Internet. Ông Tập thậm chí còn đề xuất rằng ‘mô hình Trung Quốc là lựa chọn mới cho những nước muốn đẩy nhanh sự phát triển trong khi vẫn giữ được độc lập của mình’.

Bên cạnh đó, ông Tập cũng nỗ lực cải cách các định chế và quy ước toàn cầu để phản ánh những giá trị và ưu tiên của Trung Quốc, trong đó có việc thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB.

Trong một số trường hợp, Trung Quốc còn tận dụng các định chế quốc tế để hợp thức hóa lợi ích của riêng họ. Ví dụ như trong vòng 7 năm qua, Bắc Kinh đã vận động thành công để cho Ý tưởng Vành đai Con đường trở thành một cấu phần chính thức trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để đạt được Nghị trình Phát triển Bền vững vào năm 2030. Điều này xảy ra bất chấp phản đối của những nước tham gia vào Dự án Vành đai Con đường do những chuẩn mực thấp của Trung Quốc về môi trường, lao động và quản trị cũng như những khoản nợ khổng lồ những nước này gánh chịu khi tham gia vào dự án.

Cuối cùng, trên lĩnh vực nhân quyền, tác giả Economy nói, Bắc Kinh đã có những bước tiến lớn trong việc đảo lộn những quan niệm quốc tế về quyền chính trị và nhân quyền. Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, họ đã làm suy giảm khả năng việc những nhân tố bên ngoài có thể lên án một nước về những vi phạm nhân quyền. Bắc Kinh cũng thúc đẩy tầm nhìn của họ về chủ quyền Internet, bác bỏ sự riêng tư của dữ liệu và dòng chảy tự do thông tin.

“Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc có ý định và năng lực để xây dựng lại trật tự quốc tế. Tuy nhiên phần lớn những gì mà Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu cho đến nay chỉ là theo đuổi lợi ích của riêng Trung Quốc,” bà Economy nhận định. “Ông ấy vẫn chưa chứng tỏ những tố chất của một quốc gia lãnh đạo toàn cầu: sự sẵn sàng phối hợp lợi ích và trong một số trường hợp đặt lợi ích trước mắt của Trung Quốc ở dưới lợi ích lớn hơn của thế giới và khả năng tạo ra được một thỏa thuận quan trọng xung quanh một thách thức toàn cầu. Ở những chỗ mà ông Tập đã giành quyền lãnh đạo (sau khi Mỹ thoái lui) – chẳng hạn như ở vấn đề biến đổi khí hậu và tự do thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa – thực tế cho thấy những gì Trung Quốc làm được còn cách xa với lời hứa của họ.”

Có ít chỉ dấu cho thấy phần còn lại của thế giới mong muốn một trật tự toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo, theo bà Economy. Các cuộc thăm dò ý kiến ở các nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương cho thấy họ có ít lòng tin vào sự lãnh đạo của ông Tập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG