Đường dẫn truy cập

Trung Quốc dùng tiền lôi kéo đồng minh, Đài Loan ‘chịu thua’


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói với các phóng viên tại Đài Bắc ngày 24/5/2018, sau khi Burkina Faso chấm dứt các quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói với các phóng viên tại Đài Bắc ngày 24/5/2018, sau khi Burkina Faso chấm dứt các quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Đài Loan sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các đồng minh ngoại giao quay sang trung thành với Trung Quốc, vì Đài Loan thiếu những ngân khoản mà các nước ấy cần, theo nhận định của chuyên gia và các giới chức tại Đài Bắc.

Số các nước công nhận Đài Loan về phương diện ngoại giao giảm xuống còn 18 nước sau khi Burkina Faso cắt đứt mối quan hệ kéo dài 24 năm qua. Vài ngày sau, quốc gia Tây Phi này, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã chính thức thành lập các quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và trở thành quốc gia thứ tư ‘trở cờ’ kể từ năm 2016.

Đài Loan đã gia tăng trợ giúp thuốc men và nông nghiệp cho Burkina Faso, nhưng truyền thông Đài Loan cho biết Trung Quốc năm ngoái đã cấp 50 tỉ đô la cũng như thường xuyên đưa các nhà đầu tư sang châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Không thể cạnh tranh bằng tiền bạc với Trung Quốc có thể khiến Đài Loan mất mát đồng minh vào tay Bắc Kinh, làm giảm thiểu tiếng nói của Đài Loan tại Liên hiệp quốc và gây phương hại cho cuộc tranh đấu của Đài Loan để được quốc tế công nhận là một nước tách biệt với Trung Quốc.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình chứ không phải là một quốc gia được công nhận về phương diện ngoại giao. Trung Quốc và Đài Loan có chính quyền riêng kể từ cuộc nội chiến trong những năm 1940.

Được sự ủng hộ của hơn 170 quốc gia, trong đó có những cường quốc thế giới, Trung Quốc nhất mực muốn thống nhất đôi bên thành một dù các cuộc thăm dò cho thấy người Đài Loan muốn tự trị.

Chính phủ Đài Loan tố cáo Trung Quốc mua chuộc các đồng minh của Đài Loan để thay đổi sự ủng hộ như một phương cách làm áp lực đối với Tổng thống Thái Anh Văn. Bà Thái nhậm chức cách đây hai năm và bác bỏ ý kiến cho rằng hai bên thuộc một nước Trung Hoa duy nhất.

Đài Loan viện trợ cho các đồng minh căn cứ trên việc đánh giá mỗi nước cần những gì để phát triển kinh tế và xã hội, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Andrew Lee nói. Đài Loan có thể ấn định một thời hạn từ 2 đến 3 năm. Thông thường viện trợ của Đài Loan nhằm các lãnh vực học bổng, công nghệ nông nghiệp và các chương trình y tế.

Tuy nhiên, theo lời ông Lee trong một cuộc họp báo, ngân sách của Đài Loan có giới hạn.

Đài Loan ít khi nêu chi tiết số tiền viện trợ cho các nước, hầu hết thuộc vùng Caribê, Trung Mỹ và Nam Thái Bình Dương.

Trong khi đó, quốc gia cộng sản Trung Quốc không cần phải thông qua Quốc hội hay lấy ý kiến công chúng trong các khoản viện trợ nước ngoài, theo các chuyên gia. Hơn nữa, Bắc Kinh có nhiều tiền hơn cũng như nhiều chương trình ‘vươn xa’ hơn để phân phối viện trợ. Một trong những kênh đó là Sáng kiến Vành đai Con đường trị giá 1 ngàn tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng mới xung quanh khu vực Á-Âu.

Trung Quốc cũng có thể khuyến khích dân đi du lịch tới các nước nghèo, tạo nguồn thu nhập cho các nước đồng minh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước đồng minh với Trung Quốc còn có thể tiếp cận với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Đó là chưa kể các nước cần gìn giữ hòa bình có thể dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc vì Trung Quốc là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong khi Đài Loan không có ghế tại đây, theo nhận định của các chuyên gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG