Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Trinidad Jimenez lên tiếng rằng quyết định của Ireland chấp nhận cứu nguy là một tin mừng.
Bà nói rằng sự đoàn kết của châu Âu đã có kết quả và đồng Euro sẽ ổn định lại vì sự giúp đỡ của tất cả các quốc gia trong khối Liên Hiệp châu Âu EU.
Trong mấy tuần lễ, chính phủ Ireland đã từ chối, không muốn nhận là họ cần phải được trợ giúp để cứu chữa nền kinh tế. Nhưng sau cuộc họp khẩn đêm Chủ nhật, Thủ tướng nước này nói rằng Ireland đã yêu cầu trợ giúp tài chính.
Tổng cộng số tiền cứu nguy chưa được đồng ý, nhưng được ước tính chừng 100 tỉ đô la, ít hơn chút đỉnh số tiền cứu nguy dành cho Hy lạp vào trước đây trong năm.
Bộ trưởng Ngoại giao nước Áo, ông Michael Spindelegger nói rằng số tiền cứu nguy sẽ giúp ngăn chặn sự lan tràn của nguy cơ sang những nền kinh tế yếu kém trong số các nước sử dụng đồng euro. Ông nói:
"Nếu quí vị xét đến đồng euro và sự ổn định của nó thì dĩ nhiên đây là đường lối đúng mà chúng ta phải đi theo."
Ireland đang bị sa lầy trong nợ nần vì chính phủ đã phải cứu nguy những ngân hàng lớn trong nước; chuyện này khiến chính phủ phải tiêu tốn đến 60 tỉ đô la và làm cho số thâm hụt ngân sách của Ireland lên tới 32% GDP.
Ông Sam Bowman làm việc tại viện Adam Smith, một tổ chức nghiên cứu về thị trường tự do. Ông nói chuyện cứu nguy là một sai lầm. Ông đưa ý kiến:
"Vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng Ireland vay mượn bừa bãi và đã tài trợ cho một bong bóng nhà đất mà nay đã vỡ tung. Và điều mà chúng ta đang làm hiện nay là cứu nguy bằng cách trả nợ cho những người đã cho ngân hàng Ireland vay để tìm cách giúp ngăn họ khỏi bị thua lỗ. Và điều sẽ xảy ra là những người dân thọ thuế của Ireland sẽ phải hoàn trả những món nợ đó. Vì vậy điều mà chúng ta đang làm là chuyển gánh nặng nợ nần từ những người cho ngân hàng vay sang cho người dân Ireland thọ thuế, và điều đó thật không công bằng chút nào và rất tai hại cho nền kinh tế Ireland."
Các biện pháp nhắm tăng thu nhập của chính phủ Ireland sẽ là một điều kiện trong thỏa thuận cứu nguy. Một trong những chọn lựa có phần chắc sẽ được áp dụng là tăng thuế đánh vào các công ty. Ông Bowman cho hay điều này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Ireland.
Ông nói: "Liên Hiệp châu Âu đang đề nghị Ireland tăng thuế, nhất là thuế đánh vào các công ty. trong 20 năm qua Ireland tìm cách tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài, như những công ty Facebook, Google, Hewlett Packard, các công ty dược phẩm v..v.. qua đường lối áp dụng mức thuế nhẹ cho các công ty. Nếu buộc Ireland tăng thuế đánh vào các công ty thì điều này khiến cho Ireland thực sự sẽ mất tất cả mọi cơ hội hồi phúc và theo tôi thì nó là một đường lối vô cùng tai hại."
Ủy viên châu Âu đặc trách kinh tế và tiền tệ hôm thứ Hai lên tiếng rằng các chi tiết về thỏa thuận cho vay có thể phải chờ đến cuối tháng này mới hoàn tất xong.
Giới lãnh đạo châu Âu đã hoan ngênh quyết định của Ireland xin Liên Hiệp châu Âu và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế cứu nguy tài chính. Chính phủ Ireland đã nộp đơn xin trợ giúp hôm Chủ nhật để giúp cứu chữa nền kinh tế của họ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam dẫn độ cựu quân nhân tình nguyện tại Ukraine; phe đối lập Belarus quan ngại
2Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn
3Ông Huệ, ông Thưởng bị xem xét kỷ luật dù đã ‘tự nguyện xin nghỉ’
4Ukraine nói tên lửa mới của Nga đạt tốc độ hơn 13.000 km/giờ
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!