Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki quyết định rút lui và bày tỏ ủng hộ cho người được chỉ định lên thay cho ông.
Khi xuất hiện trên truyền hình cùng với ông Haider al-Abadi, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã loan báo việc từ bỏ ý định giữ chức thủ tướng cho nhiệm kỳ thứ ba, sau khi mất đi sự ủng hộ của đảng Dawa của ông và hầu hết các đồng minh ở trong và ngoài nước:
"Hôm nay tôi xin loan báo với quí vị, để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chính trị và cho sự thành lập chính phủ mới, tôi rút lại sự ứng cử của mình để nhường chỗ cho người anh em của tôi là Tiến sĩ Haider al-Abadi."
Nhiều người cho rằng những chính sách thiên vị giáo phái mà ông Maliki theo đuổi trong nhiều năm qua đã gây ra cuộc nổi dậy bạo động của người Sunni ở Iraq. Ông đã không đạt được một thỏa thuận với Washington để một đội quân của Mỹ có thể lưu lại Iraq sau năm 2011. Ông cũng loại phe Sunni thiểu số ra khỏi liên minh cầm quyền, tạo ra sự bất mãn mà phiến quân đang lợi dụng."
Ông Abadi có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Âu châu và lân bang Iran. Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rõ là tương lai của Iraq tùy thuộc vào chính người dân Iraq:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc không kích để bảo vệ nhân viên và cơ sở của mình ở Iraq. Chúng tôi đã gia tăng sự trợ giúp quân sự cho các lực lượng Iraq và người Kurd đang chiến đấu chống lại phiến quân ISIL ở tiền tuyến, và, có lẽ là điều quan trọng nhất, chúng tôi đang thúc giục người Iraq đoàn kết với nhau để đảo ngược đà tiến của ISIL, và quan trọng hơn hết là nắm bắt cơ hội vô cùng to lớn này để thành lập một tân chính phủ bao gồm nhiều thành phần dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng được chỉ định Abadi."
Pháp và Anh hứa cung cấp viện trợ nhân đạo cho các nhóm thiểu số ở Iraq bị thất tán vì bạo động và cung cấp vũ khí cho các dân quân người Kurd đang chật vật chống lại các phần tử nổi dậy. Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu như sau:
"Vâng, đương nhiên là chúng tôi ủng hộ người Kurd, và chúng ta nên tiếp tục ủng hộ người Kurd, và như quí vị đã biết, về vấn đề đạn dược của họ, chúng tôi sẽ đóng một vai trò trong việc cung cấp đạn dược cho họ."
Nhưng Anh và Pháp không có kế hoạch tham gia chiến đấu ở Iraq. Về việc này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết như sau:
"Về việc trực tiếp tham gia chiến dịch oanh tạc, đó là điều mà phía Mỹ đang làm. Chúng tôi chỉ can thiệp khi nào có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và có các điều kiện phù hợp. Tình trạng hiện giờ không phải là như vậy."
Vị thủ tướng mới của Iraq phải đối mặt với một nhiệm vụ rất gian nan là xây dựng lại sự đoàn kết quốc gia đã bị sụp đổ trong những tháng vừa qua. Ông bày tỏ sự tin tưởng là người dân Iraq sẽ đoàn kết với nhau để đánh bại những phần tử cực đoan, những người đã gây ra rất nhiều chết chóc và tàn phá ở nước ông và đe dọa tới an ninh của nhiều nước khác trên thế giới.