Năm ngoái, một lực lượng đặc nhiệm của Indonesia đã triển khai một kế hoạch nhắm giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hậu quả của việc phá rừng và tình trạng rừng xuống cấp. Một phần quan trọng của kế hoạch này là hai năm tạm ngưng hoạt động đốt rừng và đốt các bãi than bùn.
Việc tạm ngưng hoạt động phá rừng này nằm trong khuôn khổ của một hiệp định trị giá một tỉ đô la với Na Uy để giảm bớt khí thải carbon dioxide của Indonesia, chủ yếu gây ra bởi việc đốt rừng và đốt các bãi than bùn để lấy đất canh tác và những phát triển khác.
Indonesia là nước đứng hàng thứ ba trên thế giới về việc thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính mà nhiều khoa học gia nói là đã góp phần vào việc tăng nhiệt trên trái đất. Mục đích của chính phủ nước này là từ nay tới năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải xuống 26%.
Nhưng bộ lâm nghiệp cũng đã đệ trình một kế hoạch và lý luận rằng họ cần phải xem xét lại việc tạm ngưng hoạt động đốt rừng. Kết quả là không có kế hoạch nào được thực hiện, trong khi lực lượng đặc nhiệm và bộ lâm nghiệp tìm cách giải quyết những khác biệt của họ.
Ông Haidi Daryanto là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm và cũng là tổng giám đốc sở điều hành đất rừng. Ông nói rằng đây là một vấn đề thẩm quyền pháp lý.
Ông nói rằng, chỉ thị của Tổng Thống là chỉ dành cho Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và tất cả các giới chức cấp tỉnh bởi vì chỉ có họ mới có thẩm quyền.
Ông Joko Arif là một người hoạt động bảo vệ rừng thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh. Ông nói rằng những kế hoạch cạnh tranh có những khác biệt về loại giấy phép cụ thể sẽ bị ảnh hưởng, như ngành khai thác gỗ hoặc khai mỏ, và về phương diện này các cơ quan chính phủ sẽ tham gia công tác thi hành và giám sát lệnh tạm ngưng hoạt động phá rừng.
Ông cho biết, các kế hoạch vừa kể thậm chí còn không đồng ý được với nhau về những khu vực nào sẽ được bảo vệ.
Ông Arif nói rằng cho tới nay không có định nghĩa rõ ràng nào về những khu rừng nào sẽ phải tạm ngưng không được đốt. Thí dụ Bộ Lâm Nghiệp nói rằng việc đó chỉ áp dụng cho các khu rừng nguyên sinh nhưng một số người trong chính phủ nói rằng việc đó cũng áp dụng cho các loại rừng khác không phải chỉ rừng nguyên sinh mà còn rừng thứ cấp nữa.
Ông Dayanto giảm nhẹ sự khác biệt trong những kế hoạch này cũng như trong việc hoãn loan báo lệnh đình chỉ đốt rừng. Ông nói rằng lệnh cấm này sẽ bảo vệ gần 44 triệu hectare rừng nguyên sinh, trong khi áp dụng lề lối quản lý trong việc khai thác rừng để duy trì tài nguyên bền vững lâu dài cho thêm 48 triệu hectare nữa.
Và ông Daryanto nói rằng chính phủ quốc gia đã đình chỉ việc cấp giấy phép để lấy đất rừng nguyên sinh cho công cuộc phát triển, căn cứ trên luật lệ hiện hành.
Ông nói rằng sử dụng đạo luật số 41, thì việc đình chỉ hoạt động phá rừng đã bắt đầu rồi bởi vì luật này quy định rằng việc bảo vệ rừng thiên nhiên là một ưu tiên.
Nhưng ông nói rằng việc khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn còn là một vấn đề khố khăn chưa dẹp được và huy động chính quyền địa phương và các cơ quan khác tham gia vào việc thi hành lệnh này còn phức tạp hơn là dự kiến.
Indonesia chưa thi hành lệnh tạm ngưng đốt rừng và đốt các bãi than bùn được dự trù khởi sự vào ngày mùng một tháng Giêng. Việc đình chỉ này nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận trị giá 1 tỉ đô la với Na Uy để giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hậu quả của nạn phá rừng. Tuy nhiên các cơ quan trong chính phủ vẫn còn đang tranh luận về những thành phần của kế hoạch này.