Indonesia đang đàm phán với Hoa Kỳ và Nga về việc mua công nghệ để phát triển các nhà máy điện hạt nhân, theo một thứ trưởng của chính phủ Indonesia cho Reuters biết hôm 29/11.
Vivi Yulaswati, thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia, nói rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang xem xét vận hành các nhà máy điện hạt nhân sớm nhất vào năm 2036 để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Bà Yulaswati cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua video rằng Indonesia xem xét cả mô hình lò phản ứng module nhỏ và công nghệ hạt nhân thông thường.
Tại Indonesia, các nhà máy điện hạt nhân là một chủ đề gây tranh cãi vì đất nước này dễ xảy ra động đất. Khi được hỏi liệu Indonesia đã đặt hàng chưa, bà Yulaswati cho biết vẫn còn quá sớm để làm điều đó.
"Chúng tôi phải xin phép tổng thống và tất nhiên, chúng tôi phải đàm phán với các đối tác quốc tế. Tôi nghĩ rằng, chặng đường vẫn còn rất dài", bà nói.
Ba mươi quốc gia, trong đó có chín quốc gia ở châu Á, sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember.
Indonesia, một quốc gia có hơn 275 triệu dân, chiếm phần lớn lượng than sử dụng để sản xuất điện ở Đông Nam Á. Hơn một nửa công suất hiện tại của nước này đến từ than và các nguồn năng lượng sạch, bao gồm thủy điện vốn chiếm chưa đến 15%.
Tuy nhiên, quốc gia này có kế hoạch trao cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội xây dựng 75 gigawatt (GW) điện tái tạo trong 15 năm tới.
Nhưng tài chính vẫn là một vấn đề. Indonesia đã được hứa hẹn 20 tỷ USD như một phần của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của nhóm G7 được công bố vào năm 2022, nhưng rất ít tiền được giải ngân và tiến độ chậm chạp đó đã cản trở nỗ lực cắt giảm khí thải của nước này.
Bà Yulaswati cho biết JETP cho đến nay đã phê duyệt các khoản tài trợ cho 33 dự án khử cacbon tại Indonesia trị giá 217,8 triệu USD, bao gồm một dự án nhằm tăng số lượng xe điện trên đảo du lịch Bali. Theo nữ thứ trưởng này, sáu dự án khác trị giá 78,4 triệu USD hiện đang được thương thảo.
Bà nói thêm rằng các khoản vay lên tới 6,1 tỷ USD đã được chính phủ phê duyệt, chủ yếu để nâng cấp lưới điện quốc gia và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo bà Yulaswati, lãi suất cho các khoản vay vẫn chưa được hoàn thiện. Lãi suất cho các khoản vay là một chủ đề gây tranh cãi, khi các quan chức Indonesia đổ lỗi cho các quốc gia phương Tây vì không cung cấp nguồn tài trợ ưu đãi theo JETP.
Bà cho biết các dự án JETP vẫn chưa được triển khai, đồng thời nói thêm rằng nguồn tài trợ sẽ bắt đầu vào năm tới, thời điểm bắt đầu chu kỳ lập kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo của Indonesia.
Diễn đàn