Đường dẫn truy cập

IGAD đứng trước công tác tế nhị trong các cuộc đàm phán về Nam Sudan


Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 1.000 người đã thiệt mạng và khoảng 200.000 người lâm vào cảnh thất tán vì các vụ xung đột tiếp diễn ở Nam Sudan
Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 1.000 người đã thiệt mạng và khoảng 200.000 người lâm vào cảnh thất tán vì các vụ xung đột tiếp diễn ở Nam Sudan
Các đại biểu của chính phủ Nam Sudan và phe nổi loạn tranh đấu đẩy chính phủ ra khỏi chính quyền đã mở các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực đã kéo dài gần ba tuần lễ. Một số chuyên gia cảnh báo tình hình sẽ tệ hại hơn nếu khối Ðông Phi IGAD tiếp tục lên án các hành động của nhóm nổi loạn. Thông tín viên VOA Mohammed Yusuf tường thuật cho đài VOA từ văn phòng Ðông Phi ở Nairobi.

Các đại biểu của chính phủ Nam Sudan và phe nổi loạn đã họp riêng tại Addis Ababa với các nhà điều giải tìm cách thương thảo một cuộc ngưng bắn. Tính đến chiều ngày thứ Sáu, hai phái đoàn vẫn chưa mở các cuộc họp trực diện.

Ông Jok Madut Jok thuộc Viện Sudd, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Nam Sudan, nói rằng ngay lúc này việc đình chỉ cấp thời các hành động thù nghịch quan trọng đối với nhân dân Nam Sudan hơn so với một giải pháp chính trị.

Ông Jok nói: “Ðiều mà dân chúng chờ đợi và hy vọng ngay lúc này ở Nam Sudan là các phe phái, các bên lâm chiến này, đạt được một cuộc ngưng bắn cấp thời. Ðiều đó thực sự là khẩn thiết nhất trong lúc dân chúng đang hết sức tuyệt vọng trong các hoàn cảnh hiện thời của họ.”

Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 1.000 người đã thiệt mạng và khoảng 200.000 người lâm vào cảnh thất tán vì các vụ xung đột tiếp diễn ở Nam Sudan.

Cách xa các cuộc đàm phán, giao tranh vẫn tiếp tục với các cuộc đụng độ quân sự được ghi nhận quanh các thành phố do phe nổi loạn chiếm đóng như Bor trong bang Jonglei, và thủ phủ Bentiu của bang Unity.

Tuần trước, khối IGAD của Ðông Phi đã hô hào cả hai bên trong vụ xung đột hãy nắm lại “cửa sổ cơ hội nhỏ bé” và bắt đầu các cuộc hòa đàm.

Năm quốc gia trong khối IGAD cũng cảnh báo phe nổi loạn dưới sự lãnh đạo của cựu phó tổng thống Riek Machar rằng họ sẽ không chấp nhận “sự lật đổ một cách vi hiến” chính phủ Nam Sudan.

Ông Jok nói các nhà điều giải khu vực sẽ tự nhận thấy mình ở trong một hoàn cảnh tế nhị khi tìm cách chấm dứt vụ xung đột.

Ông giải thích: “Nhóm Ðông Phi IGAD một mặt muốn gửi đi một tín hiệu cho Nam Sudan và bất cứ nước nào trong vùng, rằng việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để đạt quyền lực chính trị là điều nên và bắt buộc phải ngăn chặn với bất kỳ giá nào. Và do đó họ có thể tìm cách lên án vị cựu phó tổng thống về hành động của ông ta, nhưng làm như thế thì họ có nguy cơ tiến sâu vào một hình thức nội chiến.”

Cuộc đổ máu tại quốc gia mới nhất thế giới này đã bùng ra khi binh sĩ nổi loạn tấn công một bản doanh của quân đội Nam Sudan vào ngày 15 tháng 12. Tổng thống Kiir lên án cựu phó tổng thống Machar âm mưu đảo chính.

Bạo động chia rẽ đất nước theo các lằn ranh sắc tộc, với những người ủng hộ ông Kiir, một thành viên bộ tộc Dinha, và những người ủng hộ ông Machar, thuộc bộ tộc Nuer, chống đối lẫn nhau.

Trong khi đó, Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Juba đã ra lện sơ tán thêm nhân viên vì “tình hình an ninh xấu hơn” ở Nam Sudan.

Một thông cáo của sứ quán kêu gọi tất cả công dân Hoa Kỳ rời khỏi nước và hứa Bộ Ngoại giao sẽ sắp xếp một chuyến bay sơ tán trong ngày hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG