Ba chiếc tàu của Iran đã tìm cách ngăn chặn một tàu chở dầu của hãng BP đi qua Eo biển Hormuz, nhưng đã phải ngưng lại hành động đó sau khi một tàu chiến của Anh đến nơi và cảnh cáo tàu Iran -- theo chính phủ Anh cho biết hôm 11/7.
Vụ việc xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ sớm tăng chế tài lên “đáng kể” đối với Iran trong nỗ lực của Washington kiềm chế các hoạt động hạt nhân và hành vi của Iran trong khu vực.
Anh kêu gọi Iran giảm “leo thang căng thẳng trong khu vực” sau vụ việc liên quan đến tàu British Heritage do hãng BP của Anh điều hành và mang cờ Isle of Man, một hòn đảo tự trị của Anh trên biển Ireland.
Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết “HMS Montrose buộc phải tiến vào giữa các tàu Iran và tàu British Heritage để can thiệp và phát ra cảnh cáo bằng tiếng nói cho các tàu của Iran. Các tàu Iran sau đó đã bỏ đi.”
Vụ việc xảy ra sau gần một tuần kể từ khi Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh lên kiểm tra tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar và thu giữ tàu này vì nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU bằng cách chở dầu tới Syria.
Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri, cho biết họ sẽ không để yên việc Anh bắt giữ tàu của họ, nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo này phủ nhận việc họ đã tìm cách ngăn chặn tàu British Heritage.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ những thông tin mà chính phủ Anh đưa ra và gọi nó là “vô giá trị”, theo hãng tin bán chính thức Fars.
Một phát ngôn viên của BP cho biết ưu tiên hàng đầu của công ty dầu mỏ lớn này là sự an toàn và an ninh cho thủy thủ đoàn và tàu thuyền của họ, và nói thêm rằng: “Mặc dù chúng tôi không bình luận về những sự kiện này, nhưng chúng tôi cảm ơn Hải quân Hoàng gia vì sự hỗ trợ của họ.”
Dữ liệu theo dõi vận chuyển cho thấy tàu chở dầu thô được gắn cờ Anh Pacific Voyager do Mitsui OSK Lines Ltd (9104.T) vận hành đã đi một tuyến đường tương tự với tàu British Heritage qua Eo biển Hormuz hôm 10/7. Dữ liệu Refinitiv cho thấy bốn tàu chở dầu đã đăng ký khác của Anh hiện đang có mặt ở vùng Vịnh.
Căng thẳng ở vùng Vịnh đã gia tăng trong những tuần gần đây khi Iran bắt đầu không tôn trọng các điều khoản của hiệp định hạt nhân mà họ ký với các cường quốc thế giới năm 2015.
Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này năm ngoái và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm Iran bị tách ra khỏi các thị trường dầu mỏ chính thống và buộc nước này phải tìm ra những cách thức khác để bán dầu thô, nguồn thu chính của Iran.
Điều đó đã tước đi lợi ích kinh tế mà Iran sẽ nhận được để đổi lấy việc kiềm chế chương trình hạt nhân của mình và nước Cộng hòa Hồi giáo này nói rằng họ sẽ chỉ quay trở lại tuân thủ đầy đủ các quy định của hiệp ước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Washington tái gia nhập hiệp ước.