Truyền thông Mỹ cho biết Tòa Bạch Ốc đang trì hoãn các kế hoạch áp đặt trừng phạt nhắm vào chương trình phi đạn đạn đạo của Iran.
Các giới chức Mỹ đã hoạch định sẽ công bố vào đầu tuần này các biện pháp trừng phạt đối với 12 người và các công ty ở Iran, Hồng Kông và Liên hiệp Các tiểu Vương quốc Ả Rập.
Nhưng tờ The Wall Street Journal hôm thứ Năm cho biết quyết định trên đã bị hoãn lại. Theo các giới chức Mỹ, các biện pháp trừng phạt “vẫn còn trên bàn làm việc”. Nhưng tờ báo không cho biết rõ khi nào hoặc liệu các giới chức Mỹ có tiếp tục thúc đẩy chương trình này hay không.
Các giới chức cũng nhấn mạnh rằng việc áp đặt các hình phạt tài chính như thế là không vi phạm các thỏa thuận đạt được trong năm nay về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Tehran không đồng ý, nói rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ làm mất hiệu lực thỏa thuận hạt nhân.
Iran đe dọa mở rộng chương trình phi đạn
Hôm thứ Năm, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng chương trình phi đạn đạn đạo như một phản ứng đối với đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Trong một loạt các tweets, ông Rouhani nói: “Nếu Mỹ tiếp tục can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự vệ của Iran, một chương trình mới sẽ được đưa ra để tăng cường khả năng về phi đạn”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ đàm phán về khả năng phòng thủ của chúng tôi bao gồm chương trình phi đạn và sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào trong vấn đề này”.
Đáp lại phát biểu của ông Rouhani, một giới chức cấp cao của Mỹ nói với đài VOA rằng Mỹ từ lâu đã chống lại các mối đe dọa từ chương trình phi đạn của Iran và sẽ tiếp tục làm như vậy. Ông nói điều đó bao gồm sự làm việc chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực để tăng cường phòng thủ chống lại các mối đe dọa như thế.
Tờ The Wall Street Journal cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm vào khoảng 12 người và các công ty liên quan đến các chương trình phi đạn. Các biện pháp trừng phạt sẽ yêu cầu các ngân hàng Mỹ đóng băng tài sản của những người trên danh sách và không cho cá nhân hay các công ty ở Mỹ làm ăn với họ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari hôm thứ Năm gọi các biện pháp trừng phạt là “đơn phương, tùy tiện và bất hợp pháp”.
Iran đã bắn thử phi đạn trong tháng 10 và tháng 11.
Mỹ và Pháp nói việc phóng thử phi đạn hồi tháng 10 là vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm chương trình phát triển phi đạn đạn đạo của Iran. Iran bác bỏ cáo buộc này, nói rằng các biện pháp trừng phạt chỉ áp dụng cho phi đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phi đạn của họ không có khả năng đó.
Các chuyên gia Mỹ cho biết mục đích duy nhất của phi đạn là mang đầu đạn hạt nhân.
“Chúng tôi đã tìm các biện pháp bổ sung liên quan đến chương trình phi đạn đạn đạo của Iran vì mối lo ngại thường trực về các hoạt động của họ, bao gồm cả việc phóng thử phi đạn ngày 10 tháng 10”, một giới chức của chính quyền Obama cho biết. “Chúng tôi đang xem xét các khía cạnh khác nhau liên quan đến các chỉ định bổ sung, cũng như các công tác ngoại giao phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia”.
Thử phi đạn
Cũng hôm thứ Năm, phát ngôn viên của Vệ binh Cách mạng Iran Ramezan Sharif phủ nhận cáo buộc của Mỹ nói rằng Iran đã bắn thử phi đạn gần một tàu khu trục của Mỹ hôm thứ Bảy tại eo biển Hormuz.
Ông Sharif gọi là báo cáo này là “chiến tranh tâm lý” và nói rằng hải quân đã không thực hiện bất kỳ một cuộc diễn tập nào trong tuần qua.
Các giới chức quân sự Mỹ cho biết các phi đạn đã bay qua trong vòng 1.500 mét của tàu khu trục USS Harry S. Truman. Các giới chức giấu tên nói với truyền thông phương Tây rằng hải quân Iran đã phát đi một thông báo trước khi bắn phi đạn để yêu cầu tàu tránh xa khu vực này.
Nhiều tàu khác cũng ở trong khu vực, bao gồm tàu khu trục USS Bulkeley, một tàu khu trục nhỏ và một tàu buôn Pháp.
Không phi đạn nào nhắm bắn vào các tàu, và không có tàu nào phải thực hiện những hành động tránh né.
“Trong khi hầu hết các liên lạc giữa các lực lượng Iran và Hải quân Mỹ là chuyên nghiệp, an toàn và thường xuyên, sự kiện này lại không phải như thế và đi ngược lại với những nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải và an toàn hàng hải ở hải phận quốc tế”, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền trung của quân đội Mỹ Kyle Raines nói trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters.
Vịnh Ba Tư là một thủy lộ chiến lược, với gần một phần ba số dầu hỏa vận chuyển bằng đường biển đi qua đây. Vùng biển này là nơi đã xảy ra những cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, trong đó có trận hải chiến kéo dài một ngày vào năm 1988.